Bảo vệ môi trường biển

Bảo vệ môi trường biển được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vấn đề này đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Ðảng và Chính phủ. Cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tại Cà Mau, việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường biển tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn không ít thách thức. Ðể trả lại môi trường trong sạch cho vùng biển, cần sự quyết tâm cũng như sự đồng lòng, đồng thuận và đồng bộ các giải pháp.

Bài 1: Nỗ lực của các địa phương

Ðứng trước tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường biển, để hạn chế những rủi ro do các tác nhân gây ô nhiễm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chủ động xây dựng, phối hợp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Chú trọng tuyên truyền

Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, có 3 mặt tiếp giáp với biển, phía Ðông giáp với biển Ðông, phía Tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan, phía Bắc giáp với 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, có chiều dài bờ biển gần 254 km.

Biển Cà Mau tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia và là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Ðông Nam Á, gần tuyến hàng hải quốc tế nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển. Cà Mau có nhiều cửa sông thông ra biển như: Gành Hào, Hố Gùi, Bồ Ðề, Rạch Gốc, Bảy Háp, Cái Ðôi Vàm, Ông Ðốc, Khánh Hội..., có diện tích ngư trường khai thác hơn 71.000 km2, được đánh giá là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Ðây là thế mạnh để kinh tế biển phát triển, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Phát triển du lịch đi kèm với bảo vệ môi trường tại Khu Du lịch Ðất Mũi được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Ði đôi với lợi thế là nguy cơ ô nhiễm vùng biển, cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khu vực nội địa.

Các địa phương ven biển đã lồng ghép phong trào hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương vào thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Ðại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới hằng năm, với các hoạt động thiết thực trên địa bàn các huyện, phát động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tổ chức thu gom rác thải khu vực cơ quan, trường học, trạm y tế, chợ truyền thống và các điểm tập trung rác thải ven sông, khu vực dân cư ven biển, các tuyến bờ kè ven biển, các tán rừng trong khu du lịch. Ngoài ra, các huyện ven biển thực hiện xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau để xử lý theo quy định (Ðầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh), triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn...

Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: "Thời gian qua, thị trấn quyết liệt thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh, trong đó có tiêu chí môi trường. UBND thị trấn tham mưu cho Ðảng ủy chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, thường xuyên ra quân thu gom rác thải, tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường, thu gom và vớt rác thải ven sông, kênh, rạch, ven biển trên địa bàn thị trấn”.

Tuyên truyền trực quan tại các điểm dân cư thuộc khu vực biển là giải pháp tuyên truyền phổ biến được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều năm qua.

“Trong các giải pháp bảo vệ môi trường biển thì tuyên truyền là hiệu quả nhất. Chúng tôi xác định, nếu tuyên truyền có chiều sâu và rộng rãi đến tất cả các tầng lớp Nhân dân để mọi người nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng thì ý thức của người dân sẽ nâng lên”, ông Yên chia sẻ.

Ông Nguyễn Ðình Triểu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường biển nói riêng, địa phương đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Ðưa nội dung chung tay bảo vệ môi trường lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng. Cùng với đó, lắp đặt các cụm pa nô tuyên truyền trực quan tại các khu vực dân cư. Thay đổi hành vi, hướng đến xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại là mục tiêu địa phương hướng đến. Ngoài các giải pháp tuyên truyền trên trạm truyền thanh và trực quan, thị trấn còn phối hợp với Ðồn Biên phòng Sông Ðốc xây dựng mô hình đổi rác thải nhựa đại dương lấy quà (dầu ăn, hạt nêm, mì gói, đường...).

Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển

Công tác bảo vệ môi trường thời gian qua nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng được tỉnh quan tâm thực hiện, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức quan trắc, kiểm soát, giám sát, cảnh báo chất lượng môi trường nước, đa dạng sinh học vùng biển ven bờ và quanh các cụm đảo; triển khai công tác giám sát, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc hại trên biển.

Tỉnh Cà Mau đã triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động kiểm soát việc xả thải từ các khu công nghiệp ven biển; đầu tư trang thiết bị, hệ thống tiếp nhận tín hiệu camera giám sát và điện kế điện tử để quản lý việc vận hành hệ thống xử lý chất thải tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, công tác điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải từ đất liền, ven biển; đánh giá mức độ ô nhiễm từ đất liền và từ môi trường biển của tỉnh Cà Mau được thực hiện lồng ghép với các dự án liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, như: Dự án “Thu thập tổng hợp, điều tra bổ sung về thực trạng khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo tỉnh Cà Mau” năm 2015; Dự án “Lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo tỉnh Cà Mau” (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 506/QÐ-UBND ngày 15/3/2021); Ðề án “Nâng cao năng lực công tác bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau đến năm 2025” (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 341/QÐ-UBND ngày 2/3/2020).

Ðể tăng cường năng lực phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, địa phương đã đầu tư hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động trên các tuyến sông (6 trạm quan trắc nước mặt tự động); đầu tư hệ thống máy chủ và phần mềm ENVISOFT tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động của các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn, thông qua hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, góp phần tích cực kiểm soát ô nhiễm trên các tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh; thực hiện Dự án “Ðầu tư trang thiết bị, hệ thống tiếp nhận tín hiệu camera giám sát và thiết bị giám sát điện năng để quản lý việc vận hành hệ thống xử lý chất thải tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Kết quả, đã lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát điện năng tại hệ thống xử lý nước thải của 14 cơ sở để theo dõi hoạt động hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở này, qua đó kịp thời nhắc nhở việc vận hành, ngăn ngừa các rủi ro về sự cố nước thải, kiểm tra đột xuất nếu cơ sở có dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng cán bộ, đoàn viên, người dân trên địa bàn huyện Ngọc hiển tham gia vớt rác trong khuôn viên Khu Du lịch Đất Mũi nhân Ngày Đại dương thế giới (8/6); Ngày Môi trường thế giới (5/6); Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023.

Các chương trình, dự án liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đã được tiếp nhận và đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài, như: Dự án Phục hồi rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững ở Cà Mau (Tổ chức Phát triển Hà Lan); Dự án Ðào tạo và tăng cường năng lực cho các bên có liên quan lâm nghiệp cấp cơ sở nhằm giảm phát thải do mất rừng và suy thoái (SIDA và NORAD); Dự án Lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào việc lập kế hoạch quản lý vùng ven biển tỉnh Cà Mau (Chính phủ Úc và Chính phủ Ðức); Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau Việt Nam (Ngân hàng Tái thiết Ðức); Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Ngân hàng Thế giới); Dự án Bảo tồn rừng (Chính phủ Nhật Bản)...

Những năm qua, nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được điều tiết, phân bổ theo yêu cầu, nhiệm vụ hằng năm. Qua đây, góp phần hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung, bảo vệ môi trường biển và hải đảo nói riêng. Cụ thể, kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ từ năm 2018 hơn 89 tỷ đồng; năm 2019 hơn 94 tỷ đồng; năm 2020 gần 95 tỷ đồng; năm 2021 hơn 88 tỷ đồng; năm 2022 hơn 70 tỷ đồng; năm 2023 hơn 92 tỷ đồng.

Văn Ðum

Bài 2: Nguy cơ và thách thức

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-ve-moi-truong-bien-a32304.html