Bảo vệ cây xanh ngay từ khâu quản lý

Trong công tác quy hoạch nên nghiên cứu thêm phương án vị trí, hướng tuyến xây dựng, quy mô công trình phù hợp để có thể bảo vệ cây xanh hiện hữu, hạn chế lãng phí

Thời gian qua, do xây dựng các công trình hạ tầng, TP HCM đã đốn hạ nhiều cây xanh, trong đó có các loại cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm.

Quy trình phải chặt chẽ

Mới đây, gần 100 cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP HCM) bị di dời, đốn hạ để thi công mở rộng nền đường, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Sắp tới sẽ di dời, đốn hạ 185 cây xanh làm dự án kết nối xe buýt với tuyến metro số 1; hơn 450 cây xanh thuộc gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án metro số 2.

Phần lớn số cây xanh này tại khu vực trung tâm (nơi đang thiếu cây xanh) như đường Lê Lai, Phạm Hồng Thái, Sương Nguyệt Anh, Cách Mạng Tháng Tám, vòng xoay Dân Chủ… Trong đó có nhiều cây xanh với chiều cao từ 10-13 m, đường kính thân từ 50-170 cm, tán rộng phủ kín.

TP HCM xây dựng công trình hạ tầng giải quyết kẹt xe, phục vụ phát triển là công việc phải làm. Vấn đề là có nhất thiết di dời, đốn hạ toàn bộ cây xanh trong phạm vi thi công?

Một thành phố xanh sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư, tạo lực hút cho phát triển, truyền cảm hứng đến người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các đô thị lớn trên thế giới xây dựng công trình hạ tầng nhưng vẫn giữ được phần lớn cây xanh hiện hữu nhờ có quy trình chặt chẽ bảo vệ cây xanh, nhất là các loại cổ thụ được xem như tài sản quý giá, chọn đưa vào danh sách "di sản" để gìn giữ, bảo tồn.

Điển hình Singapore ưu tiên bảo vệ cây xanh từ khâu quy hoạch, cây xanh có thân cao và tán rộng được đưa vào danh sách "di sản". Cây xanh được bảo vệ bằng điều luật nghiêm ngặt, tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, đòn roi hoặc phạt tù.

Chính vì thế dù đất chật người đông, đô thị hóa gần 100%, xây dựng công trình hạ tầng rất hoành tráng, Singapore vẫn giữ lại được phần lớn cây xanh hiện hữu. Cây xanh đường phố được xem là "xương sống" cho thành phố, là yêu cầu thiết yếu trong quá trình xây dựng đất nước.

Triết lý của họ là một thành phố xanh sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư, tạo lực hút cho phát triển, truyền cảm hứng đến người dân để họ tự hào rằng đang sống trong một "đô thị giữa thiên nhiên".

Có tình yêu thật sự với cây xanh

Tại TP HCM, cách thức triển khai thời gian qua là căn cứ quy hoạch có quy mô, kích thước gồm bề ngang và chiều dài để áp vào thực hiện.

Ví dụ nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu từ 5-10 m lên 25-30 m gồm mặt đường và hai bên vỉa hè. Tất cả vật kiến trúc trong phạm vi công trình xây dựng đều phải giải phóng mặt bằng, trong đó có cây xanh để tổ chức thi công theo đúng thiết kế được duyệt.

Các dự án này hầu hết có bố trí các gói thầu trồng mới cây xanh. Chủ đầu tư và các bên liên quan có thể giải thích rằng đốn hạ cây xanh để xây dựng công trình, sau đó sẽ trồng mới cây xanh thay thế hoặc tăng cường nhiều hơn.

Thực tế nhiều công trình xây dựng xong vẫn thiếu mảng xanh, trong đó có khu vực trung tâm thành phố như đường Lê Lợi, Công viên bến Bạch Đằng.

Cá nhân tham gia dự án, nhất là với vai trò quản lý, cần có tình yêu thật sự với cây xanh. Nếu ban đầu đã muốn trồng mới cây xanh thì những cây xanh hiện hữu sẽ khó có cơ hội tồn tại; còn nếu công trình vẫn làm nhưng bằng mọi giá phải giữ lại cây xanh thì chắc chắn sẽ nghĩ ra cách.

Xây dựng công trình hạ tầng nếu chủ đầu tư, cơ quan chức năng quan tâm đúng mức hẳn sẽ giảm thiểu đốn hạ cây xanh hiện hữu, bảo vệ cổ thụ bằng các biện pháp phù hợp trong các bước thực hiện chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát thiết kế, điều chỉnh cục bộ hoặc thay đổi biện pháp thi công. Thậm chí có thể dịch chuyển vị trí xây dựng để bảo vệ các hàng cây xanh đang tạo bóng mát, như cách làm của Singapore.

Một khi cơ quan chức năng đánh giá tác động môi trường cho dự án một cách thực chất về cảnh quan, không khí, khói bụi, tiếng ồn cũng góp phần hạn chế xâm hại cây xanh hiện hữu. Bởi trồng cây xanh và duy trì, chăm sóc trở thành cổ thụ mới lâu chứ đốn hạ sẽ rất nhanh.

Rà soát, lập danh sách bảo tồn

Cần có một quy trình hữu hiệu bảo vệ cây xanh, thu hút nhiều sự tham gia góp ý trong khâu quản lý. Người dân được thông tin đầy đủ về dự án, công trình và minh bạch hiện trạng, chi phí các hạng mục, trình tự triển khai, giải pháp thi công để phản biện và giám sát. Rà soát các loại cây xanh tùy kích cỡ trên đường phố lập danh sách "di sản" được gìn giữ, bảo tồn.

Trần Văn Tường (Kỹ sư cầu đường)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-ve-cay-xanh-ngay-tu-khau-quan-ly-196240510211955619.htm