Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Nông dân xã Đông Lai (Tân Lạc) chăm sóc vườn bưởi đỏ niên vụ mới.

Tại huyện Yên Thủy, vụ xuân năm 2024 toàn huyện có 669 ha lúa; diện tích ngô đã trồng trên 1.580 ha; lạc trên 95ha. Đồng chí Bùi Thị Xanh, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để chủ động trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra trên cây lúa, ngô và lạc, Phòng NN&PTNT huyện đã ban hành công văn đề nghị UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đi cơ sở chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt phòng, chống bệnh trên cây trồng. Đồng thời, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh, thời tiết để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại cũng như thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ xuân.

Trong toàn tỉnh, diện tích gieo cấy lúa vụ xuân trên 16.204ha/15.927ha; lúa trà sớm đang giai đoạn ôm đòng - trỗ bông; trà chính vụ giai đoạn đứng cái - ôm đòng; trà muộn cuối đẻ nhánh - đứng cái. Đây là thời điểm cây lúa rất mẫm cảm với các điều kiện bất thuận của thời tiết và nhiều đối tượng sinh vật gây hại. Chuột cũng tiếp tục gây hại nặng và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới; bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết âm u, có sương mù, mưa phùn vào đêm và sáng sớm; có hiện tượng gối lứa rầy trên các trà lúa và tiềm ẩn nguy cơ truyền bệnh lùn sọc đen phương Nam rất cao nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời. Bên cạnh đó, trên những diện tích trồng cây có múi, các đối tượng bọ trĩ, nhện nhỏ, sâu vẽ bùa, ruồi đục quả... tiếp tục gây hại rải rác; sâu keo mùa thu gây hại trên 15 ha ngô tại huyện Lạc Thủy; sâu xám, sâu cắn lá, bệnh đốm lá... gây hại rải rác với mật độ và tỷ lệ thấp; bọ phấn trắng gây hại nhẹ rải rác trên cây sắn, mật độ phổ biến 1 - 2 con/lá, cao 3 - 5 con/lá...

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của El Nino duy trì từ nay đến tháng 6/2024, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt, gay gắt hơn trung bình nhiều năm... Để chủ động trong chỉ đạo sản xuất, phòng chống sinh vật gây hại trên lúa và cây trồng vụ xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân thống kê các vùng, các xã gieo cấy diện tích trà muộn, những khu đồng nhiễm sâu bệnh hại, hiện mật độ sâu hại lứa trước, tỷ lệ bệnh hại tăng cao. Tránh tư tưởng chủ quan, yên tâm khi thấy lúa đã trỗ bông. Chủ động phối hợp tuyên truyền kịp thời về tình hình sâu bệnh hại trên lúa vụ xuân và biện pháp phòng trừ. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất tình hình sinh vật gây hại chính. Tham mưu, trình lãnh đạo các cấp hỗ trợ kinh phí phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại chính trên lúa; ưu tiên sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) nhằm triển khai phòng trừ nhanh, hiệu quả, đồng bộ; hỗ trợ bơm nước tưới cho các diện tích khô hạn...

Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chi cục đã chỉ đạo các địa phương tích cực chăm sóc cây có múi giai đoạn quả nhỏ, phát triển quả. Với diện tích cây có múi giống chín muộn, đã thu hoạch cần vệ sinh vườn, cắt tỉa, tạo tán, loại bỏ các cành sâu bệnh, bón phân chăm sóc kịp thời giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Đồng thời đặt bẫy bả chua ngọt nhử bắt trưởng thành sâu keo mùa thu, sâu đục thân… trên ngô và rau màu. Duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ dự tính dự báo dịch hại cây trồng; khuyến cáo nông dân tuân thủ các quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, chuột gây hại trên lúa và các loại cây trồng để bảo vệ năng suất.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/189005/bao-ve-cay-trong-vu-xuan-truoc-thoi-tiet-dien-bien-cuc-doan.htm