Bảo tồn động vật hoang dã, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá. Bài 2: Để động vật hoang dã có môi trường sống an toàn

Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được quan tâm, chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép ĐVHD chưa được ngăn chặn triệt để. Những hoạt động này gây tác động tiêu cực đến quần thể các loài động vật nói chung và ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các Công ước quốc tế mà Việt Nam là một tổ chức thành viên.

Tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo tồn động vật hoang dã -Ảnh: T.T

Tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo tồn động vật hoang dã -Ảnh: T.T

Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc

Ngày 11/1/2020, Vũ Thị Nhung (sinh năm 1973), cư trú tại Khu phố 6, Phường 5, TP. Đông Hà, đưa hàng hóa nông sản từ TP. Đông Hà sang Lào bán bằng xe khách rồi nghỉ qua đêm tại Lào. Khoảng 8 giờ ngày 12/1/2020, Nhung bắt xe tuyến Lào - thị trấn Lao Bảo để về Việt Nam qua Cửa khẩu Densavanh (Lào). Khoảng 12 giờ 44 phút, Nhung nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) rồi đi bộ đến cây xăng Đức Nhân tại khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo để đợi xe về TP. Đông Hà.

Trong lúc đợi xe, một người đàn ông không rõ lai lịch tiến đến hỏi Nhung có muốn mua con trút (tê tê) không. Nhung đồng ý rồi cùng người đàn ông này đi đến một khu đất trống không có nhà dân. Một lúc sau, có 2 người đàn ông khác không rõ lai lịch mang theo 2 bao gai màu đen đến gặp Nhung. Nhung kiểm tra thì thấy trong đó có 5 cá thể tê tê đang còn sống được đựng trong 5 bao lưới, tổng trọng lượng khoảng 17,5 kg.

Nhung và người đàn ông này thống nhất giá bán 5 cá thể tê tê là 30 triệu đồng. Trả tiền xong, Nhung cho 5 cá thể tê tê vào túi xách rồi được người đàn ông chở đến cây xăng gần đó để đón xe về TP. Đông Hà.

Chiều cùng ngày, khi xe đến Km 59 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, chủ xe khách nghi ngờ trên xe có hàng cấm nên đã trình báo Đội Quản lý thị trường số 2 huyện Hướng Hóa. Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện bắt giữ Vũ Thị Nhung cùng vật chứng là 5 cá thể tê tê.

Ngày 13/7/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Vũ Thị Nhung. Trên cơ sở nội dung vụ án và căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Nhung 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”.

Ngày 16/8/2022, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Lê Minh Quân (sinh năm 1992), cư trú tại khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Theo hồ sơ vụ án, ngày 4/1/2022, Quân và một người đàn ông tên Tùng không rõ lai lịch thỏa thuận là Quân sẽ tìm mua 4 cá thể tê tê để bán cho Tùng.

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 7/1, Quân liên lạc qua điện thoại với Tùng thông báo đã gom 4 cá thể tê tê với tổng cân nặng khoảng 16 kg, giá bán 1,5 triệu đồng/kg. 2 bên thống nhất địa điểm giao hàng tại Quốc lộ 9, khu vực khóm Vĩnh Đông, thị trấn Lao Bảo.

Quân điều khiển xe mô tô chở số tê tê nói trên đến khu vực đã hẹn. Trên đường đi thì bị tổ công tác của Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ. Với hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”, Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Lê Minh Quân 5 năm tù.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lê Thiết Hùng cho biết, nguyên nhân khiến tình hình săn bắt, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD vẫn tiếp diễn là do sự thiếu hiểu biết pháp luật, cộng với thói quen săn bắt thú rừng tự nhiên của một số người dân. Cùng với đó, việc buôn bán trái phép ĐVHD mang lại lợi nhuận cao nên một số người dân bất chấp các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Hiện nay, các loài ĐVHD và bộ phận của chúng được thổi phồng công dụng nhằm chế biến ra các món ăn, các bài thuốc hỗ trợ sức khỏe cho con người dẫn đến việc buôn bán, sử dụng trái phép ĐVHD ngày càng gia tăng. Các hoạt động bảo kê buôn bán ĐVHD trái phép cũng là một trong những nguyên nhân cản trở các nỗ lực điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về động, thực vật hoang dã.

Nếu như trước đây, các đối tượng tàng trữ, buôn bán trái phép ĐVHD chủ yếu hoạt động lén lút thì nay, nhiều trường hợp rao bán công khai trên mạng xã hội. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa Bùi Văn Duẩn cho hay, trong năm 2022, đơn vị phát hiện và xử lý 5 vụ liên quan đến hoạt động vận chuyển, mua bán ĐVHD trái phép với tổng số tiền xử phạt hành chính là 39 triệu đồng; tiếp nhận, trả về môi trường tự nhiên 23 cá thể (tổng số 46,5 kg), trong đó động vật thuộc nhóm quý, hiếm IIB 4 cá thể (8 kg). “Từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi phát hiện và xử phạt hành chính 12 trường hợp quảng cáo, buôn bán ĐVHD trái phép trên mạng xã hội. Trong đó, có một trường hợp bị xử phạt 1.250.000 đồng”, ông Duẩn cho hay.

Siết chặt quản lý

Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông Trương Quang Trung thông tin, nhằm bảo vệ ĐVHD trong khu bảo tồn, hằng năm đơn vị phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng các thôn, xã thực hiện tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên các tiểu khu.

Trong năm 2022, tổ chức 26 đợt truy quét, 461 đợt tuần tra bảo vệ rừng với 2.495 lượt người tham gia. Qua đó phát hiện và tháo dỡ 15 lán trại, 2.708 bẫy động vật rừng, 7 máy tời gỗ; đẩy đuổi 22 đối tượng vào rừng đặc dụng trái phép; phát hiện 2 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính 14,75 triệu đồng.

Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông thường xuyên giám sát biến động tài nguyên rừng bằng ảnh vệ tinh. Thí điểm ứng dụng bộ công cụ SMART trong quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra bảo vệ rừng. Tiến hành cập nhật, bổ sung dữ liệu của một số loài động vật rừng tại khu bảo tồn. Trong đó, cập nhật số lượng và vùng phân bố của vượn má vàng Trung Bộ. Rà soát, điều chỉnh, hệ thống lại danh lục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo các quy định mới của pháp luật hiện hành.

“Ngoài việc tuần tra rừng thường xuyên, Ban Quản lý khu bảo tồn đã làm việc với Dự án VFBC nhằm hỗ trợ thành lập đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy chuyên nghiệp. Tổ chức, thực hiện khoán bảo vệ rừng theo các nguồn vốn, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ nhận khoán bảo vệ rừng này. Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm thu hút sự tham gia của người dân như họp thôn, tuyên truyền lưu động...”, ông Trung cho hay.

Tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, những năm qua ban quản lý, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng; củng cố tổ chức, tăng cường nhân lực về trạm quản lý bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm, vùng xung yếu, vùng có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.

Để ngăn chặn tình trạng làm nguy hại đến các loài ĐVHD, Ban Quản lý khu bảo tồn đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng tổ chức gần 200 đợt họp thôn tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ tình trạng người dân vào rừng trái phép để bẫy, bắt động vật rừng và tổ chức tháo dỡ, phá hủy hơn 3.406 bẫy ĐVHD các loại.

“Trong thời gian tới, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp vừa bảo vệ rừng và nghiên cứu bảo tồn. Rà soát lại các hoạt động nghiên cứu về động vật, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp giám sát, quản lý bảo tồn sinh cảnh tự nhiên góp phần phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học”, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết thêm.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/bao-ton-dong-vat-hoang-da-gop-phan-gin-giu-nguon-tai-nguyen-quy-gia-bai-2-de-dong-vat-hoang-da-co-moi-truong-song-an-toan/178096.htm