Bảo đảm an toàn trong lĩnh vực thanh toán

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, hiện nay, 90% giao dịch ngân hàng được thực hiện trên kênh số hóa. Do đó, khi giao dịch ngân hàng tăng cả về số lượng và chất lượng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán.

7 tỷ giao dịch qua kênh số hóa

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, công tác thanh toán đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong thời gian qua. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ở giai đoạn 2015-2017, Việt Nam mới chỉ có 31% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, nhưng đến nay, con số này đã tăng lên 77,41%.

Nhiều ngân hàng thương mại báo cáo hơn 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, thậm chí có ngân hàng đạt tỷ lệ 98%. Về số lượng các giao dịch ngân hàng, năm 2019, hệ thống thanh toán bù điện tử liên ngân hàng có khoảng 700 triệu giao dịch. Đến năm 2023, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán bù điện tử liên ngân hàng đã đạt 7 tỷ giao dịch, gấp 10 lần so với năm 2019.

Cùng với đó, hầu hết giao dịch đều được người dân thực hiện trên điện thoại thông minh, đem đến sự giao tiếp hoàn toàn khác cho người dùng. Trước kia, giao dịch ngân hàng chỉ đơn thuần trong lĩnh vực ngân hàng thì giờ đây, người dùng thông qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh có thể đặt vé máy bay, đóng tiền điện, nước, điện thoại, thanh toán bảo hiểm, mua vé xem phim... Điều đó cho thấy sự tích hợp của ngành ngân hàng và các ngành kinh tế khác đã ở mức độ rất cao.

Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn

Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn

Tuy nhiên, khi số lượng khách hàng gia tăng, kết nối đồng bộ nhiều lĩnh vực khiến việc bảo đảm an toàn trong lĩnh vực thanh toán trở nên phức tạp hơn. Điển hình là việc tăng trưởng số lượng tài khoản đi kèm vấn nạn sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản thanh toán. Hay như việc nhiều cá nhân mở tài khoản rồi bán lại cho người khác sử dụng, các giao dịch bất hợp pháp, liên quan đến rửa tiền... “Khi nhiều ngân hàng thương mại chạm tới mốc hơn 25 triệu khách hàng-một con số mơ ước của nhiều quốc gia-thì việc bảo đảm an ninh, an toàn sẽ càng quan trọng hơn”, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho hay, nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, NHNN Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng công nghệ, mang lại tiện ích an toàn cho khách hàng như: Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) cho phép khách hàng có thể tiếp cận sử dụng dịch vụ thanh toán hoàn toàn trên kênh điện tử mà không cần gặp mặt, đến phòng giao dịch ngân hàng; triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money)...

Cùng với đó, hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử luôn được NHNN Việt Nam chú trọng đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, năng lực xử lý, bảo đảm an ninh, an toàn. Đồng thời được bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các thành viên trong xu thế số hóa.

Tăng cường kỹ năng quản lý tài chính cho người dân

Hiện nay, NHNN Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp góp phần ngăn ngừa, làm giảm rủi ro gian lận, lừa đảo và mất an ninh, an toàn thanh toán; khuyến nghị, cảnh báo toàn ngành ngân hàng về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán nói chung và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng nói riêng...

Ngoài ra, NHNN Việt Nam cũng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để phát hiện, xử lý các vi phạm, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho khách hàng.

Về phía ngân hàng thương mại, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, việc ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam giúp các ngân hàng đưa ra những giải pháp làm giảm rủi ro, phân cấp xác thực giao dịch, khắc phục tình trạng giấy tờ thông tin giả mạo và làm sạch dữ liệu.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, hằng tháng, NHNN Việt Nam đều tổ chức họp định kỳ với các tổ chức tín dụng (có sự tham gia của C06) để cập nhật tình hình, phối hợp hướng dẫn, giải đáp ý kiến của các đơn vị và đôn đốc triển khai những nhiệm vụ đã được phân công.

Sau 8 tháng thực hiện, về cơ bản, các đầu mục nhiệm vụ đều được triển khai theo tinh thần, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và NHNN Việt Nam, tập trung vào các nội dung như: Làm sạch thông tin dữ liệu khách hàng, ứng dụng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID trong xác minh, nhận biết thông tin khách hàng. Từ đó góp phần hỗ trợ công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực thanh toán.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) chia sẻ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NAPAS là tổ chức vận hành hạ tầng chuyển mạch bù trừ an toàn, ổn định và thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ hoạt động kinh tế. Năm qua, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn, kể cả trong những thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao (hơn 27 triệu giao dịch/ngày).

Các chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định, để tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán, ngành ngân hàng cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trao đổi thông tin, ngăn ngừa, phát hiện, phòng, chống tội phạm. Đồng thời nâng cao sự chủ động, có giải pháp kỹ thuật phù hợp để làm tốt công tác phòng, chống rửa tiền. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, giáo dục tài chính nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho người dân.

NGUYỄN ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-an-toan-trong-linh-vuc-thanh-toan-761233