Bản tin 30/4: Điểm tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh tự do 2024

Điểm tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh tự do 2024; Đợt nắng nóng 'kỷ lục' kéo dài đến khi nào?...

Điểm tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh tự do 2024

Thông tin trên báo Tin Tức theo kế hoạch thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5, học sinh trên cả nước chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Căn cứ quy định này, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai các nội dung để tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký dự thi thành công. Theo đó, tất cả học sinh lớp 12 năm học 2023 - 2024 phải đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi bằng tài khoản đã được nhà trường cấp.

Học sinh đăng nhập vào hệ thống quản lý thi, địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để đăng ký dự thi.

Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo, với các trường hợp thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, cần đăng ký dự thi trực tiếp tại trường THPT - nơi đã học lớp 12.

Với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT có nguyện vọng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì đăng ký dự thi trực tiếp tại các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã nơi cư trú.

Để giúp thí sinh tự do thuận tiện đăng ký dự thi, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố danh sách 30 địa điểm tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đây là các địa điểm thu nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của thí sinh tự do trên địa bàn thành phố.

Thí sinh cư trú tại quận, huyện, thị xã nào thì đăng ký dự thi tại phòng giáo dục và đào tạo của quận, huyện, thị xã đó.

Dưới đây là các địa điểm thu nhận phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của thí sinh tự do:

Số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng mạnh

Ảnh minh họa.

Theo Đài phát thanh truyền hình Hà Nội những tuần gần đây, dịch tay chân miệng tại Hà Nội đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có gần 800 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số đã có 18 ổ dịch tay chân miệng.Ca mắc tay chân miệng gia tăng

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần từ ngày 12 - 19/4, toàn thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó.

Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị có nhiều ca mắc tay chân miệng ghi nhận trong tuần như: Ba Vì (20 ca); Sóc Sơn, Thanh Oai (17 ca); Hà Đông (15 ca); Mê Linh, Hoàng Mai (14 ca); Chương Mỹ, Thanh Trì (12 ca).

Theo nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả. Trong đó, CDC Hà Nội khuyến cáo các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm được lây từ người sang người dẫn đến dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là khiến vùng da bị tổn thương, vùng niêm mạc tồn tại dưới dạng phỏng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân.

Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng qua hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch như là mẫu giáo, nhà trẻ,...

Nguyên nhân chính gây ra bệnh tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây được coi là virus có sức sống mãnh liệt và dai dẳng, sống được trong khoảng nhiệt rất rộng (từ rất lạnh đến rất nóng).

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em qua các giai đoạn như:

- Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày.

- Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

- Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Sốt nhẹ, nôn: Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày để phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Theo đó, để chủ động phòng chống, Sở y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đợt nắng nóng "kỷ lục" kéo dài đến khi nào?

Nhiều nơi nắng nóng trên 40 độ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dưới đây là dự báo thời tiết 10 ngày tới các khu vực trên cả nước.

- Bắc Bộ:

+ Đêm 29 và ngày 30/4: chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng đặc biệt gay gắt.

+ Đêm 30/4 và ngày 1/5: chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; ngày có mưa rào và dông vài nơi, riêng khu vực Tây Bắc có nơi nắng nóng.

- Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên: chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt. Riêng Thanh Hóa, Nghệ An đêm 30/4 và ngày 1/5: chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; ngày nắng, có nơi nắng nóng.

- Khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận: chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng.

- Tây Nguyên và Nam Bộ; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Nhận định thời tiết từ đêm 30/4 đến ngày 8/5

- Khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An: có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to (mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm). Riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An từ ngày 3/5 khả năng có nắng nóng diện rộng.

- Khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên: nắng nóng có khả năng suy giảm. - Nam Bộ: có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Từ ngày 4-5/5 nắng nóng có khả năng suy giảm dần; chiều tối và tối có khả năng có mưa rào và dông rải rác.

- Các khu vực khác: có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Từ ngày 4-5/5 nắng nóng có khả năng suy giảm dần; riêng Tây Nguyên chiều tối và tối có khả năng có mưa rào và dông rải rác.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-304-diem-tiep-nhan-phieu-dang-ky-du-thi-tot-nghiep-thpt-a661404.html