Bản tin 12/5: Đề phòng nguy cơ dịch tay chân miệng bùng phát

Đề phòng nguy cơ dịch tay chân miệng bùng phát; Ô tô húc cả xe máy và người điều khiển lên vỉa hè, 1 người tử vong...

Ô tô húc cả xe máy và người điều khiển lên vỉa hè, 1 người tử vong

Theo VOV chiều 11/5, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn khiến một người tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 15h30 ngày 11/5 trên tuyến đường Trường Chinh, thành phố Bắc Kạn.

Thông tin ban đầu, thời điểm này, xe ô tô biển kiểm soát 29B- 19282 chạy theo hướng Bắc Kạn - Cao Bằng đã va chạm với xe máy biển kiểm soát 97F8 - 9661 do một phụ nữ điều khiển.

Hiện trường cho thấy ô tô đã đẩy cả xe máy và người điều khiển lên vỉa hè, đồng thời làm gãy đổ một cây xanh. Vụ tai nạn đã khiến người điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Sau khi tai nạn xảy ra lực lượng CSGT, cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đã có mặt để thực hiện công tác cứu hộ, phân luồng giao thông và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Hà Nội ghi nhận ca mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024

Báo Công An Nhân Dân dẫn nguồn Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2024. Cụ thể, bệnh nhân là nam (22 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây), khởi phát bệnh ngày 3/5 với triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém, sốt, có cơn rét run.

Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân, trong cơn mất ý thức, tiểu không tự chủ. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105, chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não chưa loại trừ não mô cầu, được thở ô xy, chống co giật, kháng sinh.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng sốt cao 39 độ, lơ mơ, cứng gáy… Xét nghiệm Realtime PCR dịch não tủy, máu và nhày họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính với não mô cầu.

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân.

Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh, gây tử vong cho trẻ trong vòng 24h nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 50% – 70% trẻ nhập viện do viêm não mô cầu có nguy cơ tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi,…

Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm sang mũi họng của người cảm nhiễm. Lây truyền bệnh qua đồ vật rất hiếm xảy ra.

Hiện có 13 nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh, trong đó có 6 nhóm huyết thanh thường gặp và nguy hiểm nhất (A, B, C, Y, W-135, X).

Để phòng bệnh, theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, Việt Nam đã có vắc-xin phòng ngừa đầy đủ 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy cơ cao gây bệnh, bao gồm: Vắc-xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero) của Ý, nhóm BC (Mengoc BC) của Cuba và nhóm A, C, Y, W-135 (Menactra) của Mỹ.

Theo khuyến cáo của BS, các vắc-xin não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ các vắc-xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh kể trên mà không nên trì hoãn hoặc chỉ tiêm 1 loại này mà bỏ qua loại khác.

Đề phòng nguy cơ dịch tay chân miệng bùng phát

Tiêm vắc-xin để phòng bệnh viêm não mô cầu.

Thông tin trên Đại Đoàn Kết, theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận khoảng gần 1.000 ca mắc TCM, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 84 trường hợp mắc TCM trên địa bàn và 1 ổ dịch TCM mới tại quận Ba Đình.

Trong khi đó, tại nhiều địa phương trên cả nước đều ghi nhận tình trạng dịch bệnh này tăng mạnh. Đơn cử, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 150 ca mắc TCM, tăng 17,19% so với tuần trước và tăng 177,78% so với tuần cùng kỳ 2023.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cũng thông tin, trong 2 tuần gần nhất, Hải Dương ghi nhận thêm 31 bệnh nhân mắc TCM, tăng 18 trường hợp so với 2 tuần trước đó. Tính từ đầu năm tới nay, Hải Dương đã ghi nhận 183 ca mắc bệnh này, tăng 389% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Hải Dương, 2 tuần trở lại đây, bình quân mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện điều trị cho từ 20 - 30 bệnh nhân. Trong đó trẻ mắc TCM chiếm 50%.

Còn theo báo cáo của Viện Pasteur Tp.HCM, tích lũy từ đầu năm đến đầu tháng 5, toàn khu vực ghi nhận 10.171 ca mắc tăng 2,3 lần so với năm 2023.

BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: “Thời gian gần đây bệnh TCM đang có xu hướng tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đối với trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong”.

Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Các phụ huynh thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-125-de-phong-nguy-co-dich-tay-chan-mieng-bung-phat-a663138.html