Bài tham dự Cuộc thi viết: 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào': Những ngày nóng bỏng trong lòng Hà Nội

Những ngày tháng 4-1954 nóng bỏng trong lòng Hà Nội. Đoàn công tác của chúng tôi có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phá âm mưu của địch tăng cường chi viện cho chiến trường Điện Biên. Chúng tôi chia ra nhiều đội hoạt động khắp nội, ngoại thành. Đội của tôi phụ trách địa bàn phía Nam Thủ đô, từ đê sông Đuống đến đường số 5 khu vực Trâu Quỳ, Gia Lâm.

Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh không cho giới chủ Pháp mang máy móc vào miền Nam. Ảnh: Tư liệu.

Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh không cho giới chủ Pháp mang máy móc vào miền Nam. Ảnh: Tư liệu.

Hệ thống đồn bốt trên đê sông Đuống rất dày. Từ cầu Đuống trở xuôi, lô cốt boong ke nửa chìm nửa nổi trên mặt đê, lô cốt của địa phương quân bằng bê tông, đá ong chồi lên trong các thôn xóm, cờ vàng ba sọc lắc lư trên đỉnh cột. Ụ súng, lỗ châu mai, dây thép gai, cột sắt tua tủa, chằng chịt xuống tận bờ ruộng, ao rau.

Chỉ huy đoàn là đồng chí Nguyễn Văn Ngân, Cục phó Cục Địch vận trong Ban Cán sự mặt trận Hà Nội. Đội của tôi có đồng chí Quỳ, cán bộ huyện Gia Lâm, đồng chí Ngạc, cán bộ địa phương và các tổ du kích. Đêm đêm, chúng tôi vũ trang vào các thôn xóm, tuyên truyền chính sách khoan hồng của ta, đưa truyền đơn cho các gia đình có người đi lính cho địch để vận động họ không lên Điện Biên làm bia đỡ đạn. Có đêm, du kích dùng bao cát làm ụ chắn trên mặt đê. Ban ngày địch ra phá, đêm ta đắp lại, cắm cờ đỏ sao vàng lên nóc ụ. Loa phóng thanh chĩa vào thẳng đồn bốt kêu gọi binh lính trốn khỏi hàng ngũ địch về với gia đình, quê hương. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng loa vang xa nghe rõ mồn một.

Du kích hoạt động đêm ngày. Bờ ruộng, bụi tre, bụi dứa, mô đất thành các ụ súng. Khi địch mò ra cổng đồn, đạn bắn tỉa làm cho mấy thằng lăn lông lốc xuống chân đê. Chúng đóng chặt cổng, không dám mò ra. Ụ đất mọc lên, đường xá bị đào xuống, ô tô không chạy được. Địch bị co lại trong các đồn bốt, như ốc chui vào vỏ.

Để giữ tinh thần binh lính, đêm đêm, pháo sáng của địch quay tít trên không, soi sáng các ruộng lúa, bờ tre. Đại bác từ Phà Đen, Cầu Đuống, Trâu Quỳ nã ầm ầm xuống những nơi nghi có du kích, bộ đội ta đang hoạt động. Trên đường 5, xe quân sự địch chạy hối hả. Phi trường Gia Lâm đêm ngày tiếng động cơ máy bay gầm rú đinh tai, nhức óc.

Quân ta tiếp quản Sân bay Gia Lâm năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Quân ta tiếp quản Sân bay Gia Lâm năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Khu du kích mở rộng dần. Chẳng ai ngờ một vùng sát nách Hà Nội như sân bay Gia Lâm mà quân ta lại hoạt động cả ban đêm lẫn ban ngày. Tình hình ngày càng khẩn trương. Tin chiến thắng Him Lam, Độc Lập dồn dập bay về. Làng xóm hân hoan reo vui.

Niềm vui vỡ òa khi ngày 7-5-1954, quân ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Ngày 20-7, Hiệp định đình chiến được ký kết tại Genève. Địch phải rút khỏi miền Bắc trong phạm vi 100 ngày. Chúng âm mưu co cụm, rút vào Nam để bảo toàn lực lượng.

Đơn vị được lệnh chuyển sang nhiệm vụ phá tan âm mưu của chúng. Chúng tôi cử các đội viên xuống cơ sở vận động quần chúng nhân dân. Biết bao công việc phải làm: Võ trang tuyên truyền, rải truyền đơn, hội họp, mít tinh; dân quân du kích thì lo canh gác, gỡ mìn, dỡ bàn chông cạm bẫy… Công việc hối hả từ gà gáy tới nửa đêm. Hệ thống đồn bốt trên đê sông Đuống rúng động.

Xin kể một câu chuyện “địch không đánh mà tan” những ngày tháng ấy.

Tiếu và Sen Hồ là 2 bốt sát nhau. Bốt Tiếu trên đê có đại đội Bảo chính của địch canh giữ. Bốt Sen Hồ dưới chân đê có chi đội địa phương quân. Lô cốt trên bốt Tiếu bằng đá ong cao ngất ngưởng, lỗ châu mai đen xì chĩa ra ba mặt. Lô cốt đia phương quân là là mặt ruộng, ẩn dọc bờ tre làng. Chỉ huy 2 bốt là tên thiếu úy Dương. Hắn cao lớn, đeo kính râm, râu vểnh, chống chiếc ba toong la cà bốt trên bốt dưới. Phụ trách hành chính là tên Bang Kiện, nguyên trước là Chánh tổng Cổ Giang. Dưới trướng hai tên này là lũ lâu la gồm Chi đội trưởng, Chi đội phó. Hơn 100 tên ngụy quân, ngụy quyền ngày ngày đi cướp phá, lùng sục dọc mấy xã ven sông Đuống. Từ sau chiến dịch Hòa Bình 1952, khu du kích dần dần nhen nhóm lên. Bây giờ đã khác hẳn, ta là chủ. Hai tháng nay, bốt Tiếu và Sen Hồ nằm trong tầm ngắm của ta. Bọn giặc nằm chết dí trong đồn.

Địch chủ trương rút 2 bốt Tiếu và Sen Hồ vào ngày 28-7-1954. Chúng tăng cường một đại đội Âu Phi từ Gia Lâm xuống yểm hộ. Ngay trong đêm 27-7, cán bộ Đảng và địa phương họp bàn cách ứng phó. Các cuộc họp ở thôn xóm rất khuya, nhưng nhân dân ai cũng phấn khởi, háo hức. Sáng sớm ngày 28-7, nhân dân đã vây chặt cổng làng Sen Hồ, tiếng các bà, các chị la hét đòi chồng con ầm ĩ. Dưới bãi sông Đuống, một đại đội lính da đen xách súng đi lên. Mấy chiếc ô tô lùi lũi bò theo.

Những lính Pháp cuối cùng trên cầu Long Biên rời khỏi Hà Nội năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Những lính Pháp cuối cùng trên cầu Long Biên rời khỏi Hà Nội năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

“Tây đen tiếp viện”. Tin tức truyền đi nhanh như chớp. Lính da đen đã tiến tới chân đê, Tên thiếu úy Dương hạ lệnh tập hợp. Một hồi còi nổi lên. Bỗng tiếng reo không biết từ đâu rầm rầm. Nhân dân xô vào trong bốt. Lính địa phương quân ở Sen Hồ tự nhiên tóe ra, vứt súng đạn chạy ào ào như ong vỡ tổ. Nhân dân reo hò. Khung cảnh náo loạn. Trên bốt Tiếu, lính Bảo chính cũng ào ra khắp các ngả cánh đồng. Bọn sĩ quan không giữ nổi bèn lùa lũ tàn quân còn lại lên xe. Nhân dân xô vào giằng nhau với địch trên ô tô, người bám thành xe, người chặn đầu, khiến xe không sao đi nổi. Tiếng kêu la ầm ĩ:

- Các anh vào Nam chết hết mất thôi!

- Vợ con đây anh bỏ cho ai?

- Vào Nam để bón xác gốc cao su à?

- Hòa bình rồi còn bắt lính đi đâu?

Lính da đen cầm ngang súng gạt đồng bào. Một người ngã, hàng chục người xô lên. Một thiếu niên nhảy tót lên xe kéo người anh xuống. Một chị hăng quá bế đứa con chìa ra cho tên lính da đen nói rất to:

- Me sừ về nước với bà đầm để có “tí nhau”!

Người lính da đen cười khì, kệ không xô vào đám đông nữa. Một tên trước đó gạt mấy bà ngã khuỵu thấy vậy bèn đứng im. Tên bên cạnh lắc đầu, giơ tay lên trời, chán nản…

Ô tô đã chuyển bánh, bò ì ạch trên bãi ngô. Nhân dân vẫn chạy theo mỗi lúc một đông, giằng kéo nhau trên xe. Tất cả đám nhùng nhằng nhốn nháo ấy chầm chậm chạy về Gia Lâm.

Bốt Tiếu và Sen Hồ đã tan. Du kích lên canh giữ cổng đồn. Nhân dân ùa vào làng kìn kìn gánh súng đạn ra. Tiếng cười nói ríu rít. Ở các thôn vẫn còn dòng người lên Gia Lâm đòi chồng con. Tin tức truyền về: Ra 97 tên! Thật tuyệt vời! Không đánh mà 2 bốt cũng tan.

Rồi bốt Vàng Lỡ cũng rút. Ngụy binh ra hàng từng tốp, từng tốp. Bọn mặc đồ lính, bọn thì cải trang, thì thụp trên cánh đồng tìm đường vào thôn xóm. Ngụy binh rải rác về suốt ngày. Thôn phải thành lập ban tiếp đón, tìm nhà cửa tạm trú. Các hàng binh đều được nhân dân chăm sóc tử tế, chu cấp quần áo, tiền nong về với gia đình. Cả một vùng sông Đuống từ Gia Lâm đến Sài Đồng, Trâu Quỳ ngày nào cũng náo nức như hội trong suốt tháng 7-1954.

Đội chúng tôi tiếp tục qua bên Phà Đen phát triển vào nội thành, vận động binh lính hậu cần của địch đem cả súng ống, xe cộ ra hàng. Cứ như thế, chúng tôi làm tan rã hàng ngũ địch, thu nhiều chiến lợi phẩm mà không phải nổ một tiếng súng.

Những ngày nóng bỏng sau chiến thắng Điện Biên Phủ chuẩn bị cho sự kiện tiếp quản Thủ đô từ tháng 4 đến tháng 10-1954 đã in sâu trong ký ức thế hệ chúng tôi, làm sao có thể quên được!

--------

Tác gỉa Dương Sơn Hà là Đại tá, cựu chiến binh phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội; nguyên Đội trưởng Đội cán bộ địch vận mặt trận Gia Lâm (Hà Nội) năm 1954.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-nhung-ngay-nong-bong-trong-long-ha-noi-664134.html