Bài cuối: Điểm sáng từ mô hình sản xuất hiệu quả với nắng nóng

Tình hình nắng nóng dự báo kéo dài thêm 2 tháng nữa, ngành chức năng và người dân Ninh Thuận đã chủ động hơn trong chuyển đổi sản xuất, giảm thiểu rủi ro...

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với hạn, mặn

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới ở tỉnh Ninh Thuận có nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước cục bộ, đặc biệt tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam.

Chịu nhiều tổn thất qua những lần khô hạn, chính quyền và nông dân vùng đất “gió như phang, nắng như rang” có thêm kinh nghiệm, bài học quý để chủ động hơn trong chuyển đổi sản xuất, giảm thiểu rủi ro do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra...

Hệ thống tưới tiết kiệm nước tại trang trại nho Hai Tường, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.

Hệ thống tưới tiết kiệm nước tại trang trại nho Hai Tường, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi, chủ trang trại nho Hai Tường (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) đang trồng 1,6 ha nho theo quy trình "5 năm phục hồi hữu cơ" sử dụng vỏ trấu đốt kết hợp tưới tiết kiệm, mục đích khi thời tiết khắc nghiệt thì nho không xảy ra tình trạng "mềm trái" nếu canh tác đúng quy trình.

"Chất lượng khi thu hoạch của nho canh tác theo quy trình này ổn định đến 90% dù gặp thời tiết bất lợi. Ngoài ra, đảm bảo khi sấy khô vẫn giữ được chất lượng yêu cầu", bà Vi cho hay. Hiện trang trại đang giữ lại một số loại cỏ dại có ích dưới gốc nho, giúp giữ độ ẩm cho đất, cân bằng hệ vi sinh vật trong đất, giúp đất thông thoáng. Cùng với đó, một số loại cỏ dại còn giúp tổng hợp được các dưỡng chất trong đất và cung cấp ngược lại cho cây trồng...

Bà Nguyễn Thị Tường Vi "giữ cỏ" để làm nông nghiệp bền vững.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi "giữ cỏ" để làm nông nghiệp bền vững.

Tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, nhiều hộ dân sản xuất măng tây xanh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giúp sản xuất ổn định, chủ động nguồn nước tưới xuyên suốt mùa vụ.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chia sẻ, với khí hậu nắng nóng, dự báo thời tiết khắc nghiệt, việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm là giải pháp tối ưu, giúp nông dân tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất cũng như tăng thu nhập.

Hiện Hợp tác xã có 84 thành viên, trồng gần 40 ha măng tây xanh, từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm, lượng vừa đủ được cấp cho cây để giữ ẩm, tiết kiệm thời gian, ổn định năng suất cho người dân, tránh tình trạng hư hại rau màu.

Tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như năng suất cao cho măng tây xanh.

Tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như năng suất cao cho măng tây xanh.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, đơn vị đang tích cực tuyên truyền cho người nông dân tăng thời gian tưới nhằm cấp đủ độ ẩm cho cây, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Đồng thời khuyến khích bà con giữ lại cỏ dưới gốc cây để giữ ẩm vườn; hạn chế dùng thuốc trừ cỏ; tăng cường phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh; bổ sung kali, phân bón canibo,...

Ninh Thuận với lợi thế về các sản phẩm đặc thù vùng khô hạn, hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện, ngành nông nghiệp tỉnh xác định tập trung phát triển, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, biến những khó khăn thành lợi thế.

Người dân đồng hành, chung tay tiết kiệm điện

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành chức năng nhận định nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối năm nay. Bên cạnh đó nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân đã ý thức hơn vấn đề tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường, xã hội.

Năm 2023, Điện lực Ninh Thuận thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện và đạt hiệu quả cao với sản lượng điện tiết kiệm hơn 19,4 triệu kWh, tương ứng 2,21% điện thương phẩm. Ảnh: Đ.V

Năm 2023, Điện lực Ninh Thuận thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện và đạt hiệu quả cao với sản lượng điện tiết kiệm hơn 19,4 triệu kWh, tương ứng 2,21% điện thương phẩm. Ảnh: Đ.V

Bà Trần Gia Minh Châu, chủ cơ sở kinh doanh Xứ Phan (TP. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết đã đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Đồng thời bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, nhắc nhở nhân viên tiết kiệm điện.

"Việc thực hiện tiết kiệm điện tại nhà xưởng không phải chỉ riêng ở cao điểm nắng nóng mà liên tục xuyên suốt cả năm. Đặc biệt thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành trong quy trình sản xuất và kịp thời xử lý nhanh chóng các sự cố gây tổn thất điện năng...", bà Châu chia sẻ và cho hay, việc tiết kiệm điện cũng giúp mang lại lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh cho chính cơ sở sản xuất.

Không riêng bà Châu, giờ đây nhiều cơ sở sản xuất nho khô, táo khô trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hạn chế sử dụng máy sấy nhiệt, thay vào đó phơi khô tự nhiên bằng ánh nắng mặt trời những ngày qua để tiết kiệm điện.

Theo ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận, bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, để đảm bảo cung ứng điện ổn định trong mùa khô năm nay, đơn vị đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, không chỉ giúp ngành điện hạn chế được tình trạng quá tải lưới điện, mà còn giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, tránh việc hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến trong các tháng của mùa nắng nóng năm 2024.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-cuoi-diem-sang-tu-mo-hinh-san-xuat-hieu-qua-voi-nang-nong-315409.html