Bài cuối: Cần giải pháp xóa bỏ nghịch lý

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Bảo Thắng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhiều năm qua. Một thời, cây chè đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Tuy nhiên hiện nay, đang có một nghịch lý xảy ra đó là xu hướng giảm diện tích trong khi doanh nghiệp vẫn đang 'khát' nguồn cung chè búp tươi. Giải pháp nào xóa bỏ nghịch lý này đang là vấn đề đặt ra với chính quyền - doanh nghiệp và cả người dân.

Dù chịu bấp bênh về giá cả và thị trường tiêu thụ, nhưng theo nhận định của phần lớn người trồng chè tại huyện Bảo Thắng, cây chè vẫn mang lại thu nhập ổn định cho người trồng.

 Cây chè vẫn mang lại thu nhập thường xuyên, ổn định cho người trồng tại huyện Bảo Thắng.

Cây chè vẫn mang lại thu nhập thường xuyên, ổn định cho người trồng tại huyện Bảo Thắng.

Hộ ông Nguyễn Văn Linh ở thôn Nhuần 2, xã Phú Nhuận trồng 1 ha chè lai từ năm 2006. Ông Linh chia sẻ, 1 ha chè mỗi lần thu hoạch cho sản lượng hơn 4 tấn, giá bán hiện nay là 6 nghìn đồng/kg, mang lại cho gia đình 24 triệu đồng/lứa thu. Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm cây chè cho thu 6 đến 7 lứa. Ông Linh nói: “Trồng cây chè thì vất vả trong chăm sóc và mất nhiều công thu hoạch, nhưng cũng tạo thu nhập ổn định và thường xuyên”.

 Cây chè vẫn giúp gia đình bà Phạm Thị Chín có kinh phí trang trải cho cuộc sống.

Cây chè vẫn giúp gia đình bà Phạm Thị Chín có kinh phí trang trải cho cuộc sống.

Còn hộ bà Phạm Thị Chín ở tổ dân phố số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải trồng 0,5 ha chè từ năm 1993, đến nay, gia đình bà vẫn giữ nguyên diện tích chè để chăm sóc, thu hái. Bà Chín cho biết, dù diện tích cây chè ít, nhưng vẫn giúp gia đình có một nguồn thu thường xuyên.

Ở thị trấn Nông trường Phong Hải còn nhiều diện tích chè, tập trung ở thôn Ải Nam. Không chỉ vậy, cây chè ở đây còn có chất lượng cao, mang lại thu nhập khá cho người trồng.

 Người dân thôn Ải Nam có thu nhập cao từ trồng chè bát tiên và phúc vân tiên.

Người dân thôn Ải Nam có thu nhập cao từ trồng chè bát tiên và phúc vân tiên.

Gặp chúng tôi, ông Cao Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ trồng chè thôn Ải Nam cho biết, cây chè bát tiên và phúc vân tiên đang trồng tại thôn đã và đang giúp các hộ gia đình có thu nhập khá. Với mỗi ha chè hiện có, một lứa hái cho thu từ 5 đến 6 tạ búp tươi (hai giống chè này mỗi tháng cho thu từ 2 - 3 lứa); giá bán chè búp tươi loại 1 là 12 nghìn đồng/kg và loại 2 là 10 nghìn đồng/kg, mỗi lứa, 1 ha chè cho thu từ 5 đến 6 triệu đồng.

Giải pháp để giữ vùng nguyên liệu chè

Mặc dù, chè vẫn là cây chủ lực cho thu hoạch đều và ổn định, nhưng một bộ phận hộ dân tại huyện Bảo Thắng vẫn đang có xu hướng phá bỏ để trồng cây khác.

Câu hỏi đặt ra là có phải người dân tại huyện Bảo Thắng thời gian qua đang chạy theo lợi nhuận của cây quế để chuyển đổi vùng trồng hay vì trồng chè hiệu quả kinh tế không cao? Và có thể việc thu mua của doanh nghiệp không tạo được sự yên tâm cho nông dân?...

Hộ ông Đỗ Văn Tuyên ở thôn Phú Lâm, xã Phú Nhuận đã từng trồng xen cây quế trong đồi chè với ý định khi quế lớn sẽ phá cây chè, nhưng đến đầu năm 2023, nhận thấy giá trị cây quế suy giảm nên gia đình ông quyết định phá bỏ cây quế để vực lại cây chè.

 Ông Đỗ Văn Tuyên ở thôn Phú Lâm, xã Phú Nhuận quyết tâm vực lại cây chè.

Ông Đỗ Văn Tuyên ở thôn Phú Lâm, xã Phú Nhuận quyết tâm vực lại cây chè.

Một trong những giải pháp mà các địa phương của huyện Bảo Thắng đang thực hiện đó là tích cực tuyên truyền Nhân dân giữ vững vùng chè để cân bằng vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, hiện nay, vùng chè trên địa bàn huyện còn khoảng 500 ha. Nhưng để diện tích chè trên tiếp tục phát triển và giữ ổn định thì có không ít khó khăn bởi xu thế chuyển đổi cây trồng thường xuyên thay đổi theo thị trường tiêu thụ.

 Nhiều vùng chè giúp ổn định cuộc sống cho người dân ở Bảo Thắng.

Nhiều vùng chè giúp ổn định cuộc sống cho người dân ở Bảo Thắng.

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho rằng, để phát triển ổn định vùng chè, cùng với việc tuyên truyền cho Nhân dân thì huyện cũng đang triển khai các biện pháp chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; phối hợp với công ty chè nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng giá trị chè búp tươi cho Nhân dân.

Ông Hoàng Quốc Thành, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cho biết, Công ty cũng đang triển khai một số giải pháp đảm bảo ổn định cho vùng nguyên liệu trong thời gian tới.

Để người dân tiếp tục chăm sóc tốt cho cây chè và giữ vững vùng nguyên liệu chè tại huyện Bảo Thắng thì cùng với việc tuyên truyền của chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cũng cần tìm giải pháp hỗ trợ người trồng chè, tăng giá thu mua chè búp tươi, đặc biệt cần giữ mối liên kết chặt chẽ với người nông dân vì lợi ích chung của đôi bên...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-cuoi-can-giai-phap-xoa-bo-nghich-ly-post373610.html