Bài 4: Sáng tạo 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' trong trường học ở TP. Hồ Chí Minh

Các trường học ở TP Hồ Chí Minh đã chủ động, linh hoạt triển khai 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' theo đặc thù riêng, phù hợp với cơ sở vật chất, nhu cầu của giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Giúp trang bị cho học sinh những giá trị văn hóa cốt lõi

(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chủ động, linh hoạt triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo đặc thù riêng, phù hợp với cơ sở vật chất, nhu cầu của giáo viên và học sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Một trong những ngành tích cực triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ sớm và thường xuyên chính là ngành Giáo dục. Trong những năm học gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là một trong những nội dung trọng tâm để cùng chung tay xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Các trường học trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo đặc thù riêng, phù hợp với cơ sở vật chất, nhu cầu của giáo viên và học sinh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Cùng với đó, giáo viên cũng vận dụng không gian này vào công tác giảng dạy để học sinh hiểu và làm theo tư tưởng của Người. Không gian còn là nơi tổ chức các chủ điểm sinh hoạt, hội thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tuyên dương điển hình giáo viên, học sinh tiêu biểu trong học và làm theo Bác.

Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã sân khấu hóa các câu chuyện về Bác Hồ để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa tới học sinh nhà trường.

Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã sân khấu hóa các câu chuyện về Bác Hồ để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa tới học sinh nhà trường.

Hưởng ứng chủ trương xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả. Thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, Nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn, trong đó nhóm bộ môn Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD) là lực lượng nòng cốt triển khai các nội dung thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị. Các tổ chuyên môn tích hợp giới thiệu và lan tỏa các gương điển hình thông qua kế hoạch giảng dạy bộ môn của năm học. Việc tổ chức được triển khai dưới hình thức lồng ghép trong tiết học bộ môn, thao giảng chuyên đề hoặc báo cáo dự án học tập.

Cùng với đó, thời gian qua, Nhà trường đã tiến hành xây dựng phòng trưng bày, triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại thư viện tiên tiến. “Mục đích bố trí tại thư viện vì đây là nơi thu hút sự quan tâm của học sinh, nơi tập hợp, lưu giữ những sách quý, tài liệu, tranh ảnh, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, học sinh, giáo viên có thể đọc sách, học nhóm, trao đổi. Thông qua không gian này, hình ảnh của Bác luôn hiện diện gần gũi với giáo viên, học sinh”, thầy Yên chia sẻ.

Không chỉ dừng lại như những thư viện thông thường, thầy Phạm Thanh Yên cho biết, đây còn là nơi có thể sử dụng làm “lớp học” với các tiết giảng được lồng ghép những hình ảnh sinh động trực quan tại thư viện vào các bài học có liên quan.

 Với chủ đề tháng 3 - Tháng Thanh niên, Đoàn trường tích cực lan tỏa những tấm gương và những việc làm học tập và làm theo lời Bác. Đây cũng là dịp để các bạn ngồi lại trao đổi, học tập, cùng nhau làm nhiều việc tốt góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.

Với chủ đề tháng 3 - Tháng Thanh niên, Đoàn trường tích cực lan tỏa những tấm gương và những việc làm học tập và làm theo lời Bác. Đây cũng là dịp để các bạn ngồi lại trao đổi, học tập, cùng nhau làm nhiều việc tốt góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng.

Theo thầy Yên, “việc tổ chức dạy học tại không gian thư viện để thay đổi không gian lớp học truyền thống, tạo hứng thú và đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vào thực tiễn mà ở đây cụ thể là vào từng tiết giảng, vào từng bài học”.

Ngoài hoạt động giảng dạy, Nhà trường còn xây dựng chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên Website; tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ.

Đoàn trường cũng đề ra những giải pháp đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vào chương trình rèn luyện trong năm học 2023-2024 để Bí thư Chi Đoàn các lớp triển khai đến đoàn viên và các bạn học sinh ở lớp xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể, trong đó nổi bật là xây dựng các tiểu phẩm, sân khấu hóa bằng các vở kịch thi kể chuyện về Bác Hồ bằng Tiếng Anh.

 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong Thư viện của Nhà trường - nơi các em học sinh tham gia các buổi học, thảo luận, sinh hoạt nhóm.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong Thư viện của Nhà trường - nơi các em học sinh tham gia các buổi học, thảo luận, sinh hoạt nhóm.

Việc vận dụng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Nhà trường luôn mang tính thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, không hình thức. Đồng thời, thông qua đó, đã tạo được niềm tin, ý thức tự giác trong học sinh và sự lan tỏa rộng rãi. Với chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng “Tiệm cận giáo dục quốc tế trên nền tảng một trường công lập Việt Nam”, việc xây dựng và lan tỏa những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ sẽ góp phần định hình và trang bị cho các em học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa những giá trị văn hóa cốt lõi, bền vững trong hội nhập quốc tế và xây dựng nên cộng đồng văn hóa học thuật riêng của nhà trường.

V.Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bai-4-sang-tao-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-trong-truong-hoc-o-tp-ho-chi-minh-665032.html