BÀI 4: Dấu mốc 'dịch chuyển'

BÀI 3: Chuyện xưa, tích cũBÀI 2: Tìm về dấu tích nhà xưaBÀI 1: Đất 'địa linh, nhân kiệt'

“Làng Thành Phố” xưa đã chứng kiến nhiều dấu mốc “dịch chuyển” về hành chính trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, nhưng vẫn giữ vị thế là đô thị sầm uất khu vực phía Đông của tỉnh. Với bề dày lịch sử, truyền thống, “Làng Thành Phố” nay đã có nhiều thay đổi, đang vươn mình trở thành một thành phố văn minh, hiện đại.

CHỌN HƯỚNG ĐI

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1976 theo chủ trương của Trung ương, Gò Công được sáp nhập với tỉnh Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang và tỉnh Gò Công lúc bấy giờ được chia tách thành huyện Gò Công và TX. Gò Công. Ngày 26-3-1977, Chính phủ ban hành Quyết định 77 chuyển TX. Gò Công thành thị trấn Gò Công thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đến tháng 4-1979, huyện Gò Công lại tách ra làm 2 huyện: Huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông. Lúc bấy giờ thị trấn Gò Công trực thuộc huyện Gò Công Đông và kéo dài khoảng 8 năm.

Lãnh đạo TX. Gò Công đón nhận Quyết định công nhận TX. Gò Công đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2017.

Tuy nhiên, qua thực tiễn vận hành và theo dõi trong khu vực một số nơi khác, hầu hết vẫn giữ lại thị xã, mặt khác nếu để thị trấn thì không có khả năng phát triển kinh tế - xã hội như một số thị xã khác trong vùng. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Công Đông lúc này đã thảo luận đi đến thống nhất đề nghị tỉnh cho huyện Gò Công Đông được phục hồi thành lập TX. Gò Công, được Trung ương chấp thuận và ngày 16-2-1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 37 về việc thành lập TX. Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, trên cơ sở thị trấn Gò Công, với một phần diện tích và dân số huyện Gò Công Đông, một phần dân số và diện tích huyện Gò Công Tây. Lúc này, TX. Gò Công gồm 2 phường, 4 xã, có diện tích tự nhiên 3.100 ha, với 48.043 nhân khẩu.

Tìm hướng đi cho “Làng Thành Phố” cũng được đặt ra ngay từ những ngày đầu được thành lập lại TX. Gò Công vào năm 1987. Đây là điều không phải dễ dàng. Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TX. Gò Công lần thứ I (ngày 9-12-1988), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Huỳnh Văn Niềm, lưu ý: Mục tiêu quan trọng của các cấp hiện nay là phấn đấu ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của cả nước.

Mục tiêu đó bao gồm cả ổn định về sản xuất, ổn định về phân phối lưu thông, ổn định về đời sống và tạo tiền đề cho các kế hoạch sau phát triển được to hơn và nhanh hơn. Về sản xuất, thị xã có vùng nội ô và vùng nông thôn ven. Vùng nội ô, thị xã có một số cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có truyền thống và có những hoạt động dịch vụ.

Vùng ngoại ô sản xuất chủ yếu là lương thực, một bộ phận làm được 2 vụ, có vùng trồng rau. Ngoài ra, thị xã còn có nghề hải sản. Đối với vùng nội ô, cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Vấn đề đáng chú ý của thị xã là phải quan tâm đến khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra các mặt hàng đang có, nhất là những mặt hàng xuất khẩu.

Thị xã còn phải biết tạo môi trường để thu hút du khách, phát triển các loại dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho nhân dân. Thị xã nằm ở gần biển, nếu cùng với Gò Công Đông tạo được một bờ biển nghỉ mát, thì có thể thu hút được nhiều khách du lịch. Các dịch vụ gồm cả dịch vụ chế biến các đặc sản của biển, dịch vụ phục vụ cho sản xuất và các dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân…

VƯỢT KHÓ

Nhận định được khó khăn, xác định đúng thế mạnh, trải qua hơn 30 năm xây dựng, phát triển kể từ ngày thành lập lại TX. Gò Công, thị xã phải đôi lần điều chỉnh cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Nhìn từ thực tiễn mới thấy, từ năm 1989 - 1990, Đảng bộ thị xã vừa nỗ lực khắc phục những hạn chế vừa tìm phương hướng mới theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và Nghị quyết của tỉnh Tiền Giang. Theo đó, từ cơ cấu kinh tế của những năm 1987 - 1988, Đảng bộ thị xã đã từng bước chuyển dần sang cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Một góc TX. Gò Công.

Chính sự định hướng chính xác và kịp thời này đã tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển thị xã. Việc đặt thương mại dịch vụ lên hàng đầu đã phát huy thế mạnh vốn có của thị xã và đưa thị xã trở thành một đô thị phát triển. Cũng từ định hướng quan trọng này, Đảng bộ thị xã đã nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ thị xã đến xã, phường, khu phố, ấp, nhất là sự đồng thuận của người dân, thông qua phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã liên tục tạo được nhiều thành quả trên các lĩnh vực.

Định hướng phát triển thị xã đã và đang được tiếp nối. Đại hội VI Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ (2010 - 2015) tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế chủ lực là thương mại - dịch vụ, nhưng có bổ sung du lịch vào ngành kinh tế mũi nhọn để có hướng tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thị xã ngang tầm với vị thế là trung tâm các huyện phía Đông. Cứ như thế, thị xã không ngừng nỗ lực vươn lên.

Một trong những điểm nổi bật trong thời gian qua là thị xã đã mở rộng địa giới về hướng Bắc và khu vực nội thị ra 2 hướng Bắc, Nam. Với việc xây dựng các tuyến đường vành đai và phát triển khu dân cư tập trung đường Trương Định nối dài; Đảng bộ và nhân dân TX. Gò Công đã vinh dự đón nhận danh hiệu Thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2013 - 2015; thị xã đã phối hợp các ngành chức năng triển khai, thi công nhiều dự án, công trình mang tính động lực như: Cầu Mỹ Lợi, Siêu thị Gò Công, Công ty cổ phần May Công Tiến, xây dựng công trình Đền thờ Liệt sĩ, Trường Mầm non tư thục Hoa Lan… cùng nhiều công trình, dự án được tiếp nối đã tạo tiền đề quan trọng để TX. Gò Công tiếp tục phát triển.

“Địa linh, nhân kiệt” từ đâu?

Trong tiểu thuyết “Hai Vợ” của Nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng đã lý giải rõ hơn về cụm từ “địa linh, nhân kiệt” dành cho vùng đất Gò Công. Theo Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc, ngay Chương 1 của cuốn tiểu thuyết “Hai Vợ”, tác giả cũng đã viết: “Gần đây, một khách giang hồ trót mất mươi năm bôn ba gởi bước khắp non sông, tình cờ trở lại nguồn Khổng Tước, nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa bỗng cảm hứng nên ngâm một bài thi thất ngôn bát cú, tả phong cảnh Gò Công có hai câu trạng như vầy: Sơn Quy phưởng phất hồn văn vật/ Bao ngược ồ ào sóng cạnh tranh… Ấy vậy hồi thế kỷ XIX, giồng Sơn Quy nổi danh và hưng thạnh là nhờ văn học uyên thâm của Phạm tộc (hiện nay là khu Lăng Hoàng gia - NV), cũng như giồng Tre nằm gần đó nổi danh là nhờ tài oanh liệt của cụ Hoài Quốc Công Võ Tánh; ngày nay tại đó vẫn còn đền thờ. Nhờ hai trường hợp đó, sau còn nhờ cụ Trương Công Định ẩn núp theo mấy giồng mà kháng chiến với binh đội Pháp khi nước Pháp mới chiếm trị vùng Gò Công, nên Gò Công mới được tiếng “Địa linh nhơn kiệt”. Người nhờ đất mà kiệt? Hay là đất nhờ người mà linh? Hai vấn đề ấy ai muốn phân giải thế nào tùy ý.

Những khởi sắc của TX. Gò Công đã được người dân đón nhận. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập lại TX. Gò Công gần đây, ông Phạm Văn Huyện (ấp Xóm Dinh, xã Long Thuận, TX. Gò Công) nói rằng, để có thể đánh giá chính xác về những thành quả lớn lao mà Đảng bộ và nhân dân TX. Gò Công đã đạt được sau 30 năm thành lập lại và xây dựng, cần hiểu rõ những khó khăn thử thách trước đó. Sau ngày miền Nam giải phóng, theo chủ trương của Đảng, TX. Gò Công đã trải qua những lần tách, nhập. Sự việc này đã ít nhiều gây ra khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường cùng tinh thần vượt khó, Đảng bộ và nhân dân thị xã một mặt nỗ lực phát huy những thế mạnh vốn có của người dân thị xã là ngoài sự cần cù chịu khó, miệt mài trong lao động sản xuất, còn có sự nhanh nhạy, giỏi giang trong việc làm kinh tế, nhất là trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ của những người dân phố chợ. Hiện nay, thị xã đã xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Đặc biệt, việc khánh thành đưa vào sử dụng cầu Mỹ Lợi đã mở ra hướng phát triển mới cho thị xã: Tuyến Quốc lộ 50, hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, ngoại thị tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từng bước phát triển các khu, cụm công nghiệp và du lịch cho thị xã. Con đường Trương Định rộng, sạch, đẹp; Tượng Đài Anh hùng dân tộc Trương Định uy nghi giữa lòng phố thị, những dãy nhà phố khang trang, khu đô thị mới đang hình thành và phát triển; những thành quả trên đã góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân thị xã đối với Đảng.

Ngày 25-4-2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định công nhận TX. Gò Công đạt tiêu chí đô thị loại III. Đây là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân TX. Gò Công. Chưa dừng lại ở đó, TX. Gò Công đang chuẩn bị bước tiếp con đường mới, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố Gò Công.

ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202308/tx-go-cong-tu-lang-thanh-pho-den-thanh-pho-bai-4-dau-moc-dich-chuyen-988739/