Bài 3: 'Dẫu trong gian nguy, máu thấm trong từng dòng tin…'

Những chiến công thầm lặng ấy đã tô thắm truyền thống ngành Tình báo quốc phòng, mãi mãi là niềm tự hào của thế hệ kế tiếp sau này.

Trong hồi kèn chiến thắng

Đêm rực rỡ pháo hoa

Chúng tôi càng thấy lòng tự hào

Bước tiếp cuộc hành quân…

…Ta tự hào thấy mình trong bao trận thắng

Chung hòa niềm vui đời đâu biết hết gian lao!

Dẫu trong gian nguy, máu thấm trong từng dòng tin

Son sắt, kiên cường, một trái tim!

Đó là lời bài hát truyền thống của những người chiến sĩ tình báo, những người lính chiến đấu thầm lặng. Trong cuộc phỏng vấn giữa bà Lady Borton, một nhà văn người Mỹ với Thiếu tướng Cao Pha, bà đã đặt ra 8 câu hỏi về sự rò rỉ của Kế hoạch Navarre, về trinh sát của bộ đội Việt Nam, về tấm bản đồ do đồng chí Trần Phận lấy được, về cách tổ chức các đài quan sát, và cả về việc phụ nữ Thái ra vào đồn Pháp rất công khai... Phải chăng là người của Việt Minh “cài” vào trong số họ? Quyết định thay đổi cách đánh có ảnh hưởng ra sao đến phương thức hoạt động của tình báo Việt Nam và sự khéo kéo của công tác tình báo trong trận Điện Biên Phủ.

Hiệp đồng lặng lẽ nhưng nhịp nhàng

Trả lời những câu hỏi trên, Thiếu tướng Cao Pha cho biết, công tác tình báo trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm phong phú và sáng tạo của tình báo Việt Nam. Có được thành công đó là do biết kết hợp chặt chẽ giữa Điệp báo chiến lược và Quân báo trinh sát trong quá trình tìm hiểu về Kế hoạch Navarre.

Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và đồng chí Cao Pha (người cầm điện thoại) trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Ảnh tư liệu

Đó là sự kết hợp giữa lực lượng trinh sát cơ động của Bộ với các đơn vị trinh sát của đại đoàn, trung đoàn và các đơn vị khác, thông qua sự phân công về phạm vi với chiều rộng và chiều sâu để theo dõi địch trong một tập đoàn cứ điểm; đồng thời tổng hợp nhiều biện pháp nắm địch như quan sát với điều tra, dũng cảm ngụy trang dưới những tấm dù địch ngay sát trung tâm Mường Thanh của Tổ trưởng trinh sát Trần Phận, của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Bảo bám địch trên Đồi A1, xác định hầm ngầm để ta đào đường hầm đưa khối thuốc nổ lớn và tiêu diệt địch.

Đó là sự kết hợp giữa phương thức trinh sát kỹ thuật với trinh sát mặt đất để theo dõi địch “thực hiện tai nghe, mắt thấy” như các đội trinh sát hỗn hợp của Nguyễn Long, Phúc Kính, Khải Anh, Trần Bá Khoa, đặc biệt là của trinh sát Võ Văn Tân và Ông Văn Đèo, theo dõi sát trận đánh cuối cùng vào Đồi A1 mở đường cho bộ đội ta đánh thọc sâu, kết thúc trận đánh lịch sử.

Công tác trinh sát kỹ thuật với một đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm như Lê Huy Kỳ, Trần Bách, Nguyễn Xuân Hường, Vương Minh Tân… không chỉ theo dõi sát sao trận địa ngày đêm, cung cấp nhiều tin tức có giá trị trong quá trình diễn biến cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, mà còn theo dõi sát hoạt động của địch ở hầu khắp các chiến trường Lào, Campuchia và Nam Bộ.

Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa phương thức hỏi cung tù binh và các phương thức khác để nắm vững trạng thái tinh thần, chủ trương, thủ đoạn tác chiến của địch trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Với những đồng chí hỏi cung rất giỏi như Hùng Châu, Mạc Lâm, Mạnh Thái… tin tức khai thác cung tù binh ở Điện Biên Phủ không những có tác dụng phục vụ cho chiến dịch mà còn có ý nghĩa chiến lược: Biết được ý đồ của Mỹ ném bom ồ ạt qua hỏi cung tên biệt kích trá hàng Baingheau tung tin Mỹ sẽ đem máy bay ném bom B-29 từ Philippines đến bắn phá Điện Biên Phủ để cứu nguy cho quân đội Pháp và đe dọa ta “không nên tấn công vào Điện Biên Phủ nữa”.

Đoàn kết cán-quân, dưới-trên gắn bó

Thành công này cũng bắt nguồn từ sự đoàn kết gắn bó giữa đội ngũ cán bộ quân báo chiến đấu với cán bộ quân báo trinh sát của các Đại đoàn chủ lực 308, 312, 316 và 304 trong quá trình chuẩn bị chiến trường và suốt 56 ngày đêm bám địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như các đồng chí Kim Hùng, Nguyễn Sơn Hà, Vũ Đăng, Nguyễn Thanh cùng các cán bộ trinh sát ở các trung đoàn như Thanh Tùng, Phan Miên, Kim Giao… Họ là những cán bộ quân báo đã cùng nhau hiệp đồng trong 7 chiến dịch kế tiếp nhau suốt gần 5 năm ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Chính sức mạnh tổng hợp từ các phương thức nắm địch một cách sáng tạo, linh hoạt với đội ngũ dày dạn kinh nghiệm tại cơ quan quân báo chiến dịch đã phục vụ kịp thời cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đem lại chiến thắng quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tổ trinh sát Cục Quân báo - Bộ Tổng Tham mưu do đồng chí Cao Pha phụ trách phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trở về. Ảnh: Tư liệu TC II

Với sự kết hợp chặt chẽ các phương thức nắm địch nói trên, cuộc tiến công của ta và bạn ở Trung - Hạ Lào, Campuchia đã thu được nhiều thắng lợi giòn giã, và từ đây hành lang Nam - Bắc Đông Dương được hình thành. Trong chiến thắng lẫy lừng ấy cũng có sự đóng góp đáng kể của quân báo Đại đoàn 325 do đồng chí Hoàng Đạo (Tư Sắc) phụ trách và trực tiếp làm Trưởng ban Quân báo ở Trung Lào với sự chỉ đạo chặt chẽ của Cục Quân báo.

Cuộc đấu tranh toàn diện trên mặt trận sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên và Nam Trung Bộ, đặc biệt tại Nam Bộ với thành tích to lớn của Ban Quân báo do đồng chí Hoàng Minh Đạo làm trưởng ban, cùng với sự đóng góp của Liên khu miền Đông và miền Tây do các đồng chí Hà Ngọc Tiếu và Nguyễn Văn Kính phụ trách, đã thu được kết quả tốt.

Đầu tháng 8-1954, đồng chí Cao Pha được phân công xuống Phân khu 3 và mặt trận Hà Nội để nắm tình hình địch, xác định kế hoạch của quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội và khu vực 300 ngày ở Hải Phòng, đồng thời phái khiển cán bộ và cơ sở mật vào Nam hoạt động.

Được sự giúp đỡ tận tình của các cấp khu ủy, đặc biệt là đồng chí Bí thư khu ủy Khu 3 Lê Thanh Nghị, đồng chí Nguyễn Vỹ ở mặt trận Hà Nội, nhiều lưới điệp báo chiến lược được phái khiển đi an toàn, trong đó có lưới của Đinh Thị Vân, người nữ tình báo đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời chống Mỹ.

Theo đồng chí Cao Pha, trong chuyến đi này có cuộc gặp một cơ sở mật đã đi sâu leo cao trong Bộ Tham mưu địch của Ban Quân báo Quân khu Tả Ngạn tổ chức gần cầu Phú Lương (Hải Dương). Cơ sở mật này đã cung cấp đầy đủ lịch trình cụ thể việc triệt thoái của quân Pháp, quân ngụy ra khỏi miền Bắc và chi tiết vị trí đóng quân của chúng trên chiến trường miền Nam sắp đến. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái đánh giá cao nguồn tin nói trên. Phòng Điệp báo của Cục Quân báo được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Cũng trong thời gian này, Nha liên lạc do đồng chí Mười Hương làm phái viên cùng với đồng chí Trần Sinh, Vũ Chính, Minh Vân… đã tổ chức và phát triển được nhiều lưới điệp báo có giá trị chiến lược như lưới của đồng chí Hai Nhạ, Năm Thúy… Đặc biệt, tổ điệp báo của đồng chí Vũ Chính đã cung cấp khá đầy đủ thông tin về kế hoạch của Ély từng bước rút quân Pháp khỏi đồng bằng Bắc Bộ.

Chính kết quả tổng hợp của hai ngành Điệp báo chiến lược và Quân báo trinh sát đã cung cấp đầy đủ tin tức cho Đảng và Quân đội, kịp thời đề ra những quyết sách chiến lược sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đồng thời cùng nhau xây dựng một thế trận tình báo mới trên chiến trường miền Nam để đánh Mỹ trong giai đoạn tiếp theo.

QUỲNH OANH - ĐỨC QUANG (Theo Hồi ký “Những ký ức không bao giờ quên” của Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, và tư liệu TC II)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.

Theo www.qdnd.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-dau-trong-gian-nguy-mau-tham-trong-tung-dong-tin-318525.html