Bài 2: Để giá trị hương ước, quy ước lan tỏa trong cộng đồng

Hương ước, quy ước đi vào cuộc sống như nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng xã, khu dân cư. Nó góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm, nếp sống văn minh, thanh lịch; dần hình thành nếp sống văn hóa mới; đóng góp hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý tại cộng đồng, góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Đưa hương ước, quy ước vào cuộc sống

Những vùng quê có lịch sử lâu đời thường là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán từ xa xưa để lại. Xây dựng đời sống văn hóa chính là quá trình gạn đục, khơi trong, phát huy những gì tốt đẹp và loại bỏ những gì không phù hợp với xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Điều 11 của quy ước làng Vạn Tuế quy định mỗi gia đình phải giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm.

Dưới góc nhìn của nhà sử học Dương Trung Quốc, hương ước, quy ước là những thỏa thuận chung của xã hội, không chịu ràng buộc của pháp luật nhưng khi xây dựng cần tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, hương ước vừa giữ được những giá trị chung, giá trị đạo đức, giá trị về lối sống, quan hệ xã hội nhưng vẫn bảo tồn những bản sắc riêng của mình, đồng thời dần chấp nhận những quy định chung của Nhà nước.

Bản quy ước làng Vạn Tuế (xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) gồm có 5 chương, 30 điều, thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa, lễ tiết, hội hè, đình đám, các nghi lễ thờ cúng thành hoàng làng cho đến nghi thức tổ chức ma chay, cưới hỏi được các thế hệ người dân trong làng đồng thuận bảo ban nhau chắt lọc, chọn lựa cái tinh túy nhất để trao truyền, lưu giữ bản sắc văn hóa của làng. Tại Điều 11 của quy ước quy định mỗi gia đình phải giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm luôn phong quang sạch đẹp, mỗi tuần tổ thu gom rác thải thu gom ít nhất 3 lần/tuần và vận chuyển rác thải ra điểm tập kết rác đã quy định. Rác thải sản xuất, sinh hoạt cần phải thu gom và phân loại và để vào đúng nơi quy định, các gia đình chăn nuôi lợn phải xây dựng bể biogas, không thải nước chăn nuôi ra cống rãnh, sông ngòi, nơi công cộng. Hay, Điều 7 của quy ước về tổ chức lễ tang phải đảm bảo chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm. Làng đã xóa bỏ được tệ nạn mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như: Lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma, gọi hồn, rải vàng mã,… So với hình thức an táng truyền thống thì hỏa táng vừa tiết kiệm được quỹ đất, lại bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế của nếp sống văn minh. Từ đó, tỷ lệ người qua đời đưa đi hỏa táng tại làng Vạn Tuế đạt 75%. Nhờ vậy, ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường làng xóm của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Những quy định như trên thực sự hướng tới xây dựng nếp sống văn hóa mới; đấu tranh loại bỏ cái cũ lạc hậu, cản trở sự tiến bộ. Và hương ước, quy ước thực sự đi sâu, đi sát vào đời sống thực tiễn muôn màu ở mỗi cộng đồng. Ở những chỗ pháp luật muốn điều chỉnh mà chưa với tới hay đạo đức xã hội không dung nạp, phê phán nhưng chưa phổ biến và thuyết phục mọi người tự giác thực hiện.

Theo Bí thư kiêm Trưởng thôn Vạn Tuế Nguyễn Xuân Kiên: “Người dân trong làng Vạn Tuế có ý thức cao trong chấp hành chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, luôn nghiêm túc, tự nguyện, tự giác trong thực hiện quy ước của làng. Một số quy định của quy ước đã được lồng ghép vào thực hiện phong trào “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”... Từ năm 1999 đến nay, cùng với việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì quy ước chính là cơ sở để làng Vạn Tuế chung tay xây dựng và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa”.

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng là một trong những địa phương thành công trong công tác xây dựng, triển khai đưa hương ước, quy ước vào đời sống cộng đồng dân cư. Trước đây, mỗi khi gia đình nào có đám cưới thường tổ chức linh đình, ăn uống kéo dài tới vài ngày; thanh niên uống rượu quá đà, say xỉn dẫn đến ẩu đả, gây mất tình hình an ninh trật tự. Đối với đám tang, vẫn còn nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém. Tình trạng rải vàng mã dọc đường từ nhà cho đến nghĩa trang không chỉ tốn kém, lãng phí kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường. Nhiều gia đình kinh tế không khá giả, rất vất vả trong khâu chuẩn bị để không bị mang tiếng với làng xóm.

Triển khai các hoạt động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chính quyền xã, thôn đã họp bàn với Nhân dân cùng nhau xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng đời sống văn hóa mới. Xóm trưởng xóm 4, xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) Đặng Trọng Phong chia sẻ, sau một thời gian triển khai hương ước của xóm đã có nhiều nét chuyển biến tích cực. Đầu tiên là việc lập quỹ khuyến học để động viên, khích lệ con, cháu của mỗi dòng họ cho đến việc người dân chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế.

Hơn thế, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Đã không còn tình trạng “tiện đâu đổ rác ở đấy” mà thay vào đó, cứ thứ 7 hàng tuần sẽ đưa rác đến điểm tập kết để đi xử lý. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, thông thoáng. Các gia đình có con trong độ tuổi nhập ngũ thì 100% thanh niên hăng hái tình nguyện tham gia nghĩa quân sự, hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc; các tệ nạn xã hội cũng giảm rõ rệt.

Người dân Diễn Thọ (Diễn Châu, Nghệ An) cùng nhau thực hiện quy ước, xây dựng đời sống văn hóa mới

Hương ước, quy ước còn là mối giàng buộc giữa các thành viên gia đình, giữa gia đình này với gia đình kia, giữa thôn xóm với nhau cùng bắt tay xây dựng đời sống mới, văn hóa mới, nông thôn mới giàu lòng nhân ái, sinh động, tươi đẹp.

Thông qua việc thực hiện các bản hương ước, quy ước, hiện nay Diễn Châu đã xây dựng được 12 cổng xã, hàng chục cổng làng đẹp, phục dựng 9 đình làng, đền chùa, 35 giếng làng theo nguyên gốc kiểu dáng hoa văn, họa tiết cổ kính. Có hơn 60 phong tục, tín ngưỡng, lễ hội vẫn được người dân giữ gìn, có 56 di tích lịch sử được xếp hạng. Tất cả góp phần tích cực đến các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, qua đó giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, Phó trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Diễn Châu, bà Nguyễn Thị Phương Thu cho biết.

Cổng làng cổ và cổng làng mới được xây dựng tại xã Diễn Lộc (Diễn Châu, Nghệ An).

Còn theo Trưởng Phòng Tư pháp huyện Diễn Châu Hoàng Thị Xuyên thì ngành tư pháp đã tham mưu cho chính quyền địa phương đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Qua đó, các hòa giải viên kịp thời phát hiện và giải quyết nhanh các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ gìn tinh thần đoàn kết tình làng, nghĩa xóm góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cần sớm khắc phục tồn tại

Từ thực tế cho thấy, hương ước, quy ước đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mặc dù vậy, hiệu quả của triển khai hương ước, quy ước còn chưa đồng đều; nhiều bản hương ước, quy ước còn mang nặng tính hình thức, sau khi ban hành chưa được giám sát thực hiện một cách sát sao; tình trạng nể nang, không nhắc nhở khi có vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều hương ước, quy ước sao chép lặp lại chính sách, pháp luật; thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của các địa phương; chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe…

Đáng nói, ở một vài địa phương, cho rằng phải có chế tài xử phạt cụ thể đủ sức nặng để người dân không dám hoặc hạn chế vi phạm, người dân đồng thuận yêu cầu Ban soạn thảo phải đưa ra quy định và ghi rõ số tiền phạt cho từng hành vi vi phạm vào Dự thảo hương ước, quy ước của làng mình. Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP chỉ quy định chung về các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện hương ước, quy ước chứ không quy định xử phạt cụ thể bằng tiền đối với lỗi vi phạm. Hay, quy định bất thành văn “không tới dự đám hiếu” đối với những gia đình không chấp hành các khoản đóng góp của nhà nước, địa phương…

Vẫn còn tình trạng gia súc thả rông ngoài đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Rõ ràng, bên cạnh những mặt tích cực cần được phát huy mạnh mẽ thì vẫn còn đó những sai sót trong cách nghĩ, cách làm ở nơi này, nơi kia. Nhận thức vai trò, vị trí của hương ước, quy ước trong đời sống cộng đồng có chỗ chưa đúng, chồng lấn với quy định pháp luật mà thiếu tính tự nguyện tự giác, sáng tạo trong cách làm.

Đề cập nguyên nhân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra điểm cốt lõi xuất phát từ việc nhiều địa phương đã chỉ đạo, triển khai xây dựng hương ước, quy ước hàng loạt, theo phong trào, thành tích mà không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân dẫn đến tình trạng rập khuôn, cứng nhắc. Năng lực đội ngũ công chức theo dõi còn nhiều hạn chế; kinh phí đầu tư xây dựng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, chưa có chế tài đối với các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện đúng hương ước, quy ước mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của người dân. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả. Một số địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí chênh lệch nhiều; phong tục, tập quán khác nhau; tình trạng di dân tự do; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp..., ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, nhìn chung thời gian qua, việc thực hiện hương ước, quy ước dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân. Một số nơi việc thực hiện hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, tác dụng thực tế của hương ước, quy ước đối với quản lý cộng đồng chưa cao.

Thái Yến và Nhóm PV

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/bai-2-de-gia-tri-huong-uoc-quy-uoc-lan-toa-trong-cong-dong-i359964/