Bài 10: Tam Đường - điểm kết nối lịch sử

Ngoài tuyến từ huyện Văn Bàn, vượt qua đèo Khau Co sang đất Than Uyên và tuyến vận tải đường sông, đường sắt về Yên Bái rồi tới Sơn La - Điện Biên, quân và dân Lào Cai hành quân đi theo hướng thị xã Sa Pa tới huyện Tam Đường - Phong Thổ (Lai Châu) – thị xã Mường Lay và tới Điện Biên.

Trong hồi ký của cố Bí thư Tỉnh ủy Cư Hòa Vần có viết: “Hàng nghìn dân công từ khắp nơi trong tỉnh, người gánh, ngựa, xe đạp thồ lương thực, thực phẩm ra trận Điện Biên Phủ. Hàng đoàn xe đạp thồ tấp nập lên xuống chở hàng từ Lào Cai đi Sa Pa. Khó khăn nhất là đoạn từ Trạm Tôn đến Tam Đường, vì đường mòn rất hẹp, quanh co đến hàng chục đoạn khúc cua (chữ Chi), bên dưới là vực thẳm; sau đó chuyển sang ngựa thồ đi Phong Thổ, qua Mường Lay rồi từ đó đi Điện Biên”.

Đèo Ô Quý Hồ còn được gọi là đèo Hoàng Liên Sơn hay đèo Mây, đọc lại những vần thơ viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa ta cũng thấy thấp thoáng hình ảnh lực lượng dân công hỏa tuyến gánh gạo, vận chuyển lương thực qua cung đường huyền thoại này. “Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/Mấy tầng mây, gió lớn mưa to” (lời thơ Tố Hữu).

Đèo Ô Quý Hồ với chúng tôi không có gì xa lạ nhưng hôm nay, khi tôi lái xe chậm lại để có thời gian ngắm từng phiến đá, gốc cây, từng khúc cua, ngắm nhìn cả những đỉnh núi xa mờ trên dãy Hoàng Liên Sơn từ đó hình dung tuyến đường vận chuyển lương thực năm xưa thì cái không khí hào hùng ấy bỗng chốc hiện về. Chúng tôi như thấy hình ảnh của hàng nghìn dân công đồng bào các dân tộc Lào Cai và các tỉnh miền xuôi người quang gánh, người đẩy xe đạp thồ, người dắt ngựa, vẳng bên tai tiếng hò hát, động viên thúc giục chạy đua với thời gian bởi "bộ đội ta đã đánh, ăn không thể thiếu" (Lời kêu gọi của Đảng ủy cung cấp mặt trận).

Từ trên đỉnh đèo- cũng là ranh giới của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu có thể ngắm trọn cả cung đèo huyền thoại, hoa đỗ quyên đang độ đẹp nhất trong năm nở khắp triền núi. Trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam (gồm Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Pha Đin và Ô Quý Hồ) thì Ô Quý Hồ là con đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ nhất với độ dài hơn 50 km, nằm ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển.

Thời tiết ở đèo Ô Quý Hồ đầy khắc nghiệt với sự tương phản nhiệt độ rõ rệt hai bên đỉnh đèo. Mùa hè, khu vực Sa Pa mát mẻ, dễ chịu thì bên Tam Đường nắng chói chang, bỏng rát; mùa đông bên Tam Đường ấm áp thì khu vực Sa Pa lạnh giá, mưa mù. Cách đây 70 năm có lẽ đó thực sự là một thử thách khắc nghiệt với đoàn dân công tham gia vận chuyển lương thực vào mặt trận. Là một trong những hướng quan trọng tiếp vận lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ vì vậy địch đã tổ chức lực lượng phỉ thường xuyên phá hoại. Tuy nhiên, với lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, dân công và thanh niên xung phong vẫn ngày đêm bám trụ, phá đá mở đường, giữ cho tuyến tiếp vận thông suốt, bảo đảm chi viện kịp thời.

Bà Lý Tả Mẩy, sinh năm 1930, hiện đang sống tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa từng tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực từ Sa Pa đến Phong Thổ. Hiện tuổi đã cao, không còn nhớ rõ cung đường năm xưa, bà chỉ nhớ ngày ấy cũng tuổi đôi mươi được cách mạng kêu gọi gánh gạo cho bộ đội đánh giặc thì tham gia.

Trong câu chuyện chắp vá theo dòng ký ức lúc tỏ, lúc mờ, bà Mẩy bảo, ngày ấy cứ đi theo đường mòn, xuyên rừng xuyên núi, để đảm bảo bí mật nên thường đi vào ban đêm, người sau nối người trước. Đá núi sắc nhọn, bàn chân đất đi đến tứa máu rồi chai sạn, ấy vậy mà chẳng ai chùn bước. Anh Tẩn Sành Guyện con trai bà Mẩy bảo, trước đây thỉnh thoảng có nghe bà kể chuyện gánh gạo cho bộ đội đánh giặc với giọng đầy tự hào.

Trời chiều dần buông, chúng tôi bắt đầu sang địa phận Lai Châu- nơi con đèo cứ ôm vào dãy núi rồi hạ dần độ cao. Từ lưng chừng đèo phóng tầm mắt ra xa đã thấy đồng lúa Tam Đường xanh xanh thấp thoáng, dân đi phượt vẫn bảo nhau phải đi qua cung đèo này mới thấy bao la của đất trời Tây Bắc - hôm nay tôi mới cảm nhận rõ điều đó.

Sau 70 năm đèo Ô Quý Hồ được hạ độ đốc nhiều so với trước đây, trở thành con đường rộng, đẹp. Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất kết nối Lai Châu với thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Trong tương lai, một tuyến hầm đường bộ xuyên đèo đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhằm rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông, đưa Tam Đường nói riêng và Lai Châu nói chung gần hơn với các trung tâm kinh tế phát triển của vùng, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Đồng chí Cao Trang Trọng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường chia sẻ, từ ngày đi học đã được nghe những câu chuyện về các thế hệ cha anh đi trước không tiếc máu xương để bảo vệ, vận chuyển lương thực, thực phẩm qua đèo Ô Quý Hồ lên chiến trường Điện Biên Phủ. Tuyến đường năm xưa nay vẫn là cung đường huyết mạch cho Tam Đường phát triển kinh tế. Không còn vắng vẻ, heo hút như trước kia, đèo Ô Quý Hồ hiện đã có một số doanh nghiệp đến đầu tư các dự án phát triển du lịch.

Vùng đất Tam Đường trước đây có tên là Sàn Thang, có nghĩa là "cái cao thứ 3" xuất phát từ câu chuyện thần thoại kể rằng đây chính là nơi in dấu bước chân thứ 3 của người khổng lồ khi đi từ phía Bắc xuống phía Nam.

Đồng chí Cao Trang Trọng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường cho biết cái tên "Tam Đường" xuất hiện từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Sau chiến tranh biên giới, thị trấn Tam Đường được định hình và trở thành huyện lỵ của huyện Phong Thổ. Năm 2002, Phong Thổ được tách thành 2 huyện Phong Thổ và Tam Đường. Thị trấn Tam Đường hôm nay chính là xã Bình Lư trước khi chia tách.

So với nhiều huyện ở Lai Châu, thiên nhiên thật ưu ái cho Tam Đường, nơi đây không chỉ có khí hậu ôn hòa mà còn có địa thế đẹp với trung tâm huyện lỵ nằm trọn trong một thung lũng rộng, các xã trong huyện nằm bao quanh thung lũng. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế ấy, huyện xác định hai lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế là du lịch và nông nghiệp.

Tam Đường trước kia được biết đến là vùng chè lớn nhất của Lai Châu, đến nay cây chè vẫn được ưu tiên phát triển, trong đó huyện tập trung mở rộng diện tích chè Tuyết Shan.

Ngoài ra, cây ăn quả ôn đới cũng là một mũi nhọn đang được huyện tập trung phát triển. Toàn huyện có trên 282 ha cây ăn quả ôn đới, trong đó trên 80% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng đạt 2.187 tấn quả/năm, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng chí Đào Trọng Linh, Bí thư Đảng ủy xã Giang Ma cho biết, vùng sản xuất cây ăn quả ôn đới đã từng bước hình thành, tới đây xã sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân chuẩn hóa quy trình kỹ thuật chăm sóc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để đưa cây ăn quả nơi đây vươn xa hơn.

Những năm gần đây, Tam Đường còn được biết đến là một trong những thủ phủ phát triển sâm Lai Châu. Toàn huyện hiện có gần 25 ha, tập trung tại 3 xã Khun Há, Hồ Thầu và Giang Ma, trong đó, riêng xã Khun Há đã có khoảng 19 ha. Các mô hình hiện nay đều có doanh nghiệp liên kết với người dân thực hiện, nhờ đó đem lại nguồn thu lớn cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Ông Phạm Hồng Giang, Tổng giám đốc Công ty phát triển công nghệ cao Hưng Thịnh cho biết: Công ty ký kết hỗ trợ người dân giống, kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm sâm của người dân theo giá thị trường.

Cùng với nông nghiệp, du lịch cũng là một mũi nhọn phát triển kinh tế ở Tam Đường. Toàn huyện hiện có 12 điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó nhiều khu du lịch, điểm du lịch nổi tiếng như: Cầu Kính Rồng Mây, Cổng Trời - Đèo Ô Quy Hồ; các bản du lịch cộng đồng còn giữ được các bản sắc văn hóa độc đáo: Bản Thẳm (xã Bản Hon), Sì Thâu Chải (Hồ Thầu), Lao Chải 1 (Khun Há)…

Đến bản du lịch cộng đồng Lao Chải 1, chúng tôi không khỏi ấn tượng với một bản làng nhỏ xinh, con đường sạch đẹp với hàng hoa trải dài, những căn nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được giữ nguyên vẹn, phía trước nhà là cổng gỗ lúc nào cũng mở để đón du khách gần xa. Anh Cứ A Páo, người dân trong thôn cho biết, bà con cùng bảo nhau giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, giữ cho thôn xanh - sạch - đẹp ấy thế là du khách tự tìm đến.

Phát huy truyền thống cách mạng, Tam đường hôm nay tiếp tục nỗ lực, đoàn kết để dựng xây quê hương ngày càng phát triển. Đồng chí Cao Trang Trọng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tam Đường cho biết thêm: Cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Tam Đường nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ đang ra sức phấn đấu, nỗ lực, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, để Tam Đường ngày càng giàu đẹp hơn.

*Bài viết sử dụng một số tư liệu trong: Lịch sử LLVT tỉnh Lào Cai, Lịch sử Đảng bộ thị xã Sa Pa, Lịch sử LLVT thị xã Sa Pa, Điện Biên Phủ trận thắng thế kỷ, kỷ yếu 20 năm thành lập huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).

Trình bày: Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-10-tam-duong-diem-ket-noi-lich-su-post383664.html