Bắc Ninh: Đề án thí điểm sản phẩm OCOP du lịch dự kiến chi gần 64 tỷ đồng

Sau một thời gian phát triển chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tỉnh Bắc Ninh nhận thấy, các sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều khách du lịch quan tâm và quá trình để tạo các sản phẩm OCOP cũng chính là một nét đẹp văn hóa.

Với định hướng đưa các sản phẩm OCOP trở thành “điểm cộng hưởng” phát triển ngành du lịch, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn theo hướng chất lượng hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch.

Coi OCOP là tài nguyên để phát triển du lịch

Bắc Ninh là một tỉnh có diện tích nhỏ nhưng mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa phong phú. Địa hình của tỉnh bao gồm đồng bằng và các dãy đồi thấp, xen kẽ là những con sông và hồ nước, tạo nên cảnh quan sắc non nước hữu tình, rất có tiềm năng để phát triển du lịch.

Không chỉ thế, Bắc Ninh còn nổi bật với các làng nghề truyền thống và những lễ hội dân gian độc đáo, đặc biệt là di sản quan họ - một loại hình dân ca đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với những tiềm năng nói trên, Bắc Ninh ngày càng trở thành một trong những địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và thu hút khách thập phương.

Điều này có thể được minh chứng qua số liệu khách du lịch tìm đến với tỉnh ngày càng tăng. Năm 2023, tỉnh đón được khoảng 1,6 triệu lượt khách, tăng 46% so cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, với mong muốn đưa ngành du lịch của tỉnh tăng trưởng theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và đi vào chiều sâu thì không thể chỉ dựa vào thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên mà còn phải tạo ra những giá trị du lịch riêng biệt, làm “đòn bẩy” để đưa ngành du lịch tỉnh lên một tầm cao mới.

Sau một thời gian phát triển chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tỉnh Bắc Ninh nhận thấy, các sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều khách du lịch quan tâm và quá trình để tạo các sản phẩm OCOP cũng chính là một nét đẹp văn hóa, một sức hút để phát triển du lịch của địa phương. Do đó, nhiều năm qua, các cấp lãnh đạo tỉnh đã có định hướng, kế hoạch sớm đưa các sản phẩm OCOP trở thành nguồn lực thúc đẩy du lịch địa phương phát triển hơn nữa trong tương lai.

Hiện thực hóa định hướng trên, mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng và ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”.

Cụ thể, trong giai đoạn này tỉnh Bắc Ninh sẽ đầu tư hơn 63 tỷ đồng xây dựng sản phẩm OCOP du lịch tại 3 địa điểm làng nghề văn hóa trên địa bàn tỉnh là: Làng nghề tranh Đông Hồ tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành; Làng nghề gốm Phù Lãng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ; Làng quan họ Viêm Xá tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Dự kiến vốn để triển khai xây dựng thí điểm 3 sản phẩm OCOP du lịch là 63.671.828.000 đồng. Trong đó vốn ngân sách tỉnh (kinh phí sự nghiệp giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối NTM): 5.848.000.000 đồng. Vốn ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách địa phương và ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu): 43.893.828.000 đồng. Nguồn vốn khác: 13.930.000.000 đồng.

Làng nghề Phú Lãng, điểm làng nghề văn hóa được nằm trong Đề án thí điểm sản phẩm OCOP du lịch

Làng nghề Phú Lãng, điểm làng nghề văn hóa được nằm trong Đề án thí điểm sản phẩm OCOP du lịch

Trong quá trình triển khai Đề án, ngành du lịch tỉnh sẽ lên kế hoạch thiết kế, phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho du khách trải nghiệm cuộc sống làng nghề, thực hiện các công đoạn thực hành làm ra sản phẩm truyền thống như: gốm, tranh dân gian; đồng thời thưởng thức và tìm hiểu về trình diễn quan họ…làm phong phú hơn trải nghiệm của du khách đến với tỉnh Bắc Ninh; cũng như tạo ra nhiều tiềm năng, cơ hội để người dân địa phương bán và giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch.

“Lợi đơn lợi kép” từ việc phát triển các sản phẩm OCOP du lịch

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có về cảnh quan và văn hóa, Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh” khi đi vào thực thi chắc chắn sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách, khai thác tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần phát triển làng nghề; đồng thời tạo ra cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ thể, Đề án còn được kỳ vọng là một “làn gió mới”, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân địa phương hưởng lợi từ kết quả của việc quảng bá hữu hiệu hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh đến với du lịch, từ đó gián tiếp gia tăng cơ hội đưa các sản phẩm OCOP thành sản phẩm quà tặng du lịch để quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của quê hương.

Có thể khẳng định, chương trình phát triển các sản phẩm OCOP du lịch tại tỉnh Bắc Ninh không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là một sứ mệnh văn hóa và xã hội của ngành du lịch tỉnh. Thông qua việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo trong sản xuất và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Bắc Ninh ngày càng khẳng định vị thế của mình như một điểm đến hấp dẫn, đậm đà bản sắc văn hóa Việt. C

hương trình OCOP không chỉ mang lại sự phát triển kinh tế cho địa phương mà còn góp phần vào việc duy trì và bảo vệ những di sản quý báu của dân tộc. Với sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, kỳ vọng Bắc Ninh sẽ trở thành một biểu tượng du lịch văn hóa đặc sắc, nơi du khách bốn phương có thể tìm thấy những trải nghiệm đáng nhớ và cảm nhận sâu sắc về nền văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh Bắc.

Xem thêm: Bắc Ninh khánh thành cầu vòm thép hơn 1.900 tỷ đồng cao nhất Việt Nam

Anh Thư

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bac-ninh--de-an-thi-diem-san-pham-ocop-du-lich-du-kien-chi-gan-64-ty-dong-121373.htm