Bắc Giang: Nâng cao chất lượng lao động cung ứng cho doanh nghiệp

Nghị quyết số 147-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 15/7/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2030 nêu rõ, đến năm 2030, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong trung tâm công nghiệp của vùng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động để cung ứng cho doanh nghiệp (DN).

Gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng

Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu tỉnh giao, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn (TP Bắc Giang) khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN để tuyển sinh đối với từng ngành nghề cụ thể, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đồng thời đáp ứng yêu cầu của DN.

Hiện nay, Trường ký hợp đồng liên kết với hơn 100 DN trong và ngoài tỉnh để đào tạo các nghề chính như: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng, may thời trang… Trong đó, DN trong tỉnh chiếm 60%, chủ yếu là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), còn lại là DN ngoài tỉnh.

Giáo viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn hướng dẫn học viên học nghề cơ điện tử.

Giáo viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn hướng dẫn học viên học nghề cơ điện tử.

Thời gian qua, mỗi năm Trường đào tạo, cung cấp cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh khoảng 700-800 lao động có tay nghề. Điển hình như Công ty TNHH Seojin Việt Nam (KCN Song Khê - Nội Hoàng); Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, Công ty TNHH Samkwang Vina (cùng ở KCN Quang Châu); Công ty TNHH Hana Micon Vina (KCN Vân Trung)…

Theo ông Trần Văn Nam, cán bộ Quản lý hành chính Công ty TNHH Seojin Việt Nam, mấy năm gần đây, mỗi năm Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn liên kết với DN đào tạo, giới thiệu việc làm cho khoảng 60 lao động/năm. Các lao động này đều là kỹ thuật viên cơ khí có trình độ cao đẳng, đáp ứng được yêu cầu công việc. Cũng như Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) mỗi năm đào tạo khoảng 2,5 nghìn lao động hệ cao đẳng và trung cấp theo hợp đồng đã ký với các DN.

Tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh hiện có 51 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN, trong đó có 35 cơ sở có trụ sở trong tỉnh, còn lại có trụ sở ngoài tỉnh liên kết đào tạo, đặt địa điểm trên địa bàn tỉnh.

Năm vừa qua, các cơ sở này tuyển sinh đào tạo 28,7 nghìn lao động. Trong đó, lao động hệ cao đẳng 1.650 người, trung cấp 4.634 người, còn lại là lao động sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt hơn 90%; hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm đạt hơn 80%.

Chú trọng đào tạo lao động tay nghề cao

Bắc Giang là địa phương có kết quả thu hút vốn đầu tư FDI lớn trong toàn quốc. Cơ cấu kinh tế hằng năm chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó có đào tạo nghề, hằng năm, Sở LĐTBXH đã chủ động hoạch định, gắn kết công tác GDNN với nhu cầu thị trường. Năm nay, các cơ sở GDNN có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo 29 nghìn lao động.

Theo ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở LĐTBXH, giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định công tác GDNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số nghị quyết chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong đó nổi bật có Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Nghị quyết số 147, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 90%. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên 40%.

Thực hiện Nghị quyết trên, tỉnh đã bố trí khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ các đơn vị đào tạo nghề cho 6 nghìn người. Dự kiến, năm nay tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 61 tăng lên hơn 10 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN trong các khu, cụm công nghiệp.

Hằng năm, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ, tỉnh bố trí hàng chục tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề.

Cùng với các giải pháp trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các DN trong KCN để cung cấp số lao động cần tuyển của các DN cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH), từ đó có căn cứ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ DN tuyển dụng lao động phù hợp theo nhu cầu.

Theo Nghị quyết số 147, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp đạt trên 90%. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên 40%. Tốc độ năng suất lao động bình quân giai đoạn giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 11%/năm. Phấn đấu đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo ngành liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề bằng nguồn kinh phí của tỉnh và T.Ư.

Đặc biệt, hằng năm, tỉnh quan tâm dành nguồn vốn đầu tư công xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Riêng năm nay, tỉnh đã bố trí hơn 120 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để nâng cấp cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Công nghệ Việt- Hàn; một số trường THPT, trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên tại các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế.

Bài, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/402743/bac-giang-nang-cao-chat-luong-lao-dong-cung-ung-cho-doanh-nghiep.html