Ba người con Cố đô ở Điện Biên Phủ

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) bắt đầu, mặc dù Thừa Thiên Huế còn là vùng 'tạm chiếm' của đối phương, nhưng rất nhiều người con của Cố Đô, do chuyển ra các tỉnh phía bắc từ trước, đã tham gia Chiến dịch ĐBP trên nhiều cương vị khác nhau. Trong số đó, có 3 nhân vật do chút 'duyên' quen biết, từ nhiều năm trước...

Ông Cao Văn Khánh và bà Ngọc Toản chụp tại Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954

Có thể gọi đó là ba con người đặc biệt của Huế vì cả ba đều là trí thức, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, thuộc dòng dõi Triều Nguyễn. Trước 1945, họ đều sống trong vùng “tạm chiếm” nhưng đều tham gia cách mạng rất sớm và đi cùng đất nước suốt hai cuộc trường chinh. Chỉ riêng điều này đã là “đặc biệt” - không chỉ với tính cách cá nhân mà là nét đặc biệt, vẻ đẹp của một đô thị di sản sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương nay mai, đồng thời là minh chứng đường lối trọng dụng nhân tài của Chính phủ Cụ Hồ. Đó là hai “sinh viên” Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945 Cao Văn Khánh, Tôn Thất Hoàng và nữ sinh Đồng Khánh - tiểu thư Ngọc Toản, con gái “cụ Thượng” ở làng Lại Thế. Cuộc đời họ phải viết thành tiểu thuyết trường thiên mới nói hết chuyện. Ở đây, chỉ xin “trích yếu” những điều liên quan đến chặng đường dẫn họ cùng đi tới Điện Biên mà chưa phải ai cũng biết.

Trước hết, xin cùng trở lại với Huế thời Cách mạng tháng Tám năm 1945. Có bước đi đầu tiên này, họ mới hiện diện tại Chiến dịch Điên Biên lịch sử. Cao Văn Khánh và Tôn Thất Hoàng sau khi “tốt nghiệp” Trường Thanh niên tiền tuyến Huế đều là trở thành chiến sĩ quân giải phóng Huế ngay sau Cách mạng Tháng 8. Cao Văn Khánh thuộc lớp đàn anh - khi vào Trường Thanh niên tiền tuyến, ông đã là thầy giáo Trường Việt Anh, sau khi tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Đông Dương. Vì thế, ông được cử làm Phó Chủ tịch Giải phóng quân tỉnh Thừa Thiên. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Cao Văn Khánh vào làm Khu trưởng Khu 5 (gồm 5 tỉnh từ Quảng Nam đến Kon Tum - vùng đất đang có chiến sự ác liệt nhất thời đoạn đó) theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16/10/1945. Xin được lưu ý, khi đó ông mới 28 tuổi, chưa phải là đảng viên; trong khi các khu trưởng khác đều là những tên tuổi dày dạn cách mạng như Chu Văn Tấn, Nguyễn Sơn…

Một chi tiết cho thấy đường lối sử dụng nhân tài của Chính phủ Cụ Hồ là ngay tại Khu 5 thời đó, Cao Văn Khánh đã xứng đáng với sự tin cậy của lãnh đạo Chính phủ; với tầm nhìn xa, ông đã thành lập đơn vị chủ lực cấp đại đoàn đầu tiên của quân đội ở đây… Cũng với đường lối sáng suốt này, cuối năm 1948, Cao Văn Khánh được điều ra Bắc, sau khi tham gia hai chiến dịch Sông Lô và Sông Thao, ông cùng Vương Thừa Vũ được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao thành lập Đại đoàn 308 (có danh hiệu đại đoàn “Quân Tiên phong”) - đại đoàn đầu tiên của quân đội ta (Đại đoàn trưởng là Vương Thừa Vũ) theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh số 57-SL, ký ngày 18/5/1949.

Bà Ngọc Toản (94 tuổi) vừa trở lại Điện Biên Phủ đầu tháng 3 năm 2024 (Ảnh do PGS. Cao Bảo Vân, con gái bà Toản gửi cho tác giả)

Dài dòng một chút vì đây là nhân vật chính trong “bộ ba” người Huế có mặt tại Điên Biên cũng để hiểu vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại giao trọng trách cho Cao Văn Khánh ngay khi chiến dịch chưa khai mở. “…Mùa hè năm đó (1953) dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ, tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Cao Văn Khánh tổ chức tổ nghiên cứu chuyên đề “tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm”… (trích hồi ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn). Cũng từ đó, Đại đoàn 308 được giao mũi chủ công trong chiến dịch lịch sử này.

Ông Tôn Thất Hoàng thì sau khi ra Bắc, công tác tại Nha Nghiên cứu kỹ thuật trực thuộc Bộ Quốc phòng, rồi đi tập huấn nước ngoài về pháo binh, trở về tham gia chiến dịch trong cương vị quyền Tham mưu trưởng Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn công pháo 351. “ĐBP được quyết định sẽ là trung tâm then chốt của cuộc tấn công vào giữa tháng 12 năm 1953 thì một tuần sau, Đạị đoàn pháo binh 351 nhận lệnh đi ĐBP… Bị máy bay Pháp oanh kích khi đi qua phà ở Tuyên Quang, nhưng hỏa lực phòng không không dám nổ súng vì sợ lộ…”.

Tôn Thất Hoàng đã chứng kiến những gian khổ vô cùng trong chiến thuật “kéo pháo vào rồi lại kéo ra” làm kẻ địch bất ngờ. “Quân ta đang kéo thử pháo qua sông Nậm Rốm đang mùa nước cạn. Một khẩu pháo 105 ly và một khẩu cao xạ qua sông xong đang được kéo thử lên một quả đồi thấp…”. Chính vì chúng không biết đến ý chí phi thường của quân đội ta đã đưa pháo lên chiếm lĩnh các ngọn đồi quanh Mường Thanh, nên sau khi cứ điểm Đồi Độc lập bị Đại đoàn 308 tiêu diệt ngày 15/3, viên Thiếu tá Piroth chỉ huy trọng pháo và thiết giáp của Pháp đã tự sát… Thất bại của địch đã rõ ngay sau trận đánh này.

Ngọc Toản thì đã sớm “nổi tiếng” ngay khi Cách mạng tháng 8 thành công. Tuy chỉ mới 15 tuổi, nhưng cô nằng nặc đòi tòng quân và đã có lần liều lên tàu theo đoàn quân Nam tiến. Đến ga Quảng Ngãi, buộc phải quay lại Huế, nhưng cô nữ sinh Đồng Khánh vừa đi học, vừa tham gia hoạt động, ba lần bị bắt… Anh trai cô là Tôn Thất Long, tham gia Thành ủy Huế hoạt động bí mật, nên cơ quan đã bố trí cho cô theo đường giao liên ra Nghệ An, rồi tiếp tục ra Việt Bắc cùng với gia đình giáo sư Đặng Văn Ngữ…

Chính tại ATK (an toàn khu) Việt Bắc, cô gặp lại Cao Văn Khánh, khi ông bắt đầu chuẩn bị vào chiến dịch. Gọi là “gặp lại” vì hồi ở Huế 7 năm trước, khi cô được nhận vào Ban Quân y đóng tại đồn Phan Đình Phùng (gần cửa Thượng Tứ), mỗi khi xin ra phố ăn quà đã “đụng đầu” với đồn trưởng là Cao Văn Khánh nghiêm khắc đến “dễ ghét”! Gặp lại nhau, được nhiều người nổi tiếng (cỡ như giáo sư Tôn Thất Tùng, tướng Vương Thừa Vũ…) “làm mối” nhiệt tình, nhưng phải qua “mấy keo” tạo cớ cho đôi lứa gặp nhau, chàng mới dám viết thư ngỏ lời…

Ở mặt trận Điện Biên, Ngọc Toản chỉ ở hậu tuyến, khi đang là sinh viên năm thứ hai lớp Y khoa khóa I, được điều động phục vụ tại trạm đón và chuyển thương binh về tuyến sau. Một chuyện nhiều người không biết là sau khi Đại đoàn chủ công 308 tiêu diệt đồi Độc Lập, Bản Kéo, “giữa lúc chiến sự ác liệt, Cao Văn Khánh nhận tin sét đánh; người yêu bị đưa ra tòa án binh…”. Nguyên do ở Trạm 59 (T59), mỗi ngày cô phải lựa 100 thương binh đưa về tuyến sau điều trị, trong điều kiện “quá thiếu thốn, thuốc men cho thương binh nặng không có. Thương binh tuyến trước chuyển về ngày càng nhiều, bị ùn lại la ó…”. Đúng lúc đó, đoàn thanh tra chiến trường đến, mặc cho Toản trình bày, họ lập ngay tòa án binh. Trước tòa, Toản nói quyết liệt hơn và được các thương binh làm chứng là cô đã làm đến kiệt sức, nên được tha bổng!...

“Sự kiện bất ngờ” tiếp theo thì lại ở chiều ngược lại, tràn ngập tiếng hát, tiếng cười. Bất ngờ, vì sau chiến thắng ngày 7/5/1954, trong khi Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh đang làm nhiệm vụ chỉ huy việc thu dọn chiến trường, trao trả tù binh thì theo “kế hoạch” khá “bí mật” do ông Trần Lương, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận (sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, bí danh là Trần Nam Trung), cô Ngọc Toản phải theo liên lạc đi suốt đêm để ngày 18/5 có mặt tại hầm De Castries – lúc này là trụ sở chỉ huy lực lượng thu dọn chiến trường do Cao Văn Khánh phụ trách.

Ngay sau khi được gặp lại người yêu, ông Trần Lương đã giao “nhiệm vụ” là… đồng ý để đơn vị tổ chức lễ cưới với Cao Văn Khánh ngay tại căn hầm này! “Ngọc Toản sốc vì quá bất ngờ, thầm nghĩ đám cưới ở Huế luôn là nghi lễ trang trọng, tôn nghiêm nhất, không thể thiếu cha mẹ gia đình, bánh phu thê, áo dài khăn đóng…” . Nhưng rồi ông Trần Lương và Cao Văn Khánh đã thuyết phục được cô sinh viên Y khoa. Đám cưới đáng gọi là “lịch sử” được tổ chức ngày 22/5 ngay tại hầm De Castries; “chiến trường không có hoa nên bộ đội trang trí hầm bằng các dù Pháp đủ màu… Chú rể hát bài “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La”…”.

Tròn 70 năm đã qua từ những ngày đặc biệt đó. Trung tướng - Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh và PGS. Tôn Thất Hoàng đã được đón ngày Việt Nam thống nhất, nhưng đến nay, cả hai đã ở “cõi khác” và có thể đã có dịp “gặp lại” những chiến sĩ đã hy sinh ở Điên Biên năm xưa…

Có điều bất ngờ là ở tuổi 94, bà GS. Đại tá – bác sĩ Ngọc Toản vừa được các con đưa lên thăm ĐBP, vẫn tươi tỉnh nói năng lưu loát và đã gửi tặng Bảo tàng ĐBP hai tấm ảnh đặc biệt chụp sau lễ cưới tại hầm De Castries 70 năm trước…

(Tư liệu và các đoạn in nghiêng trong bài được dẫn từ tác phẩm “Tướng Cao Văn Khánh” - Hồi ức lịch sử, do PGS.TS Cao Bảo Vân, con gái Cao Văn Khánh thực hiện; NXB Tri thức, 2017)

Nguyễn Khắc Phê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/ba-nguoi-con-co-do-o-dien-bien-phu-140673.html