Ðẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình

Thời gian qua, dù đã có nhiều sự quan tâm, can thiệp từ các cấp, ngành liên quan nhưng thực trạng bạo lực gia đình (BLGÐ) vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra. Cùng với đó, nhiều phụ nữ không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh, mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm thì mới có thể giúp phụ nữ, trẻ em được bảo vệ đầy đủ nhất.

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), cho biết: “Ðể công tác phòng, chống BLGÐ hiệu quả, thời gian qua, Sở LÐ-TB&XH đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGÐ... Theo đó, năm 2023, sở phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức phát động Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, hỗ trợ 320 phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 171 triệu đồng (trong đó kinh phí vận động 82 triệu đồng)”.

Bên cạnh đó, thành lập 10 câu lạc bộ (CLB) thủ lĩnh của sự thay đổi trong trường học và thực hiện kiểm tra, giám sát hỗ trợ 7 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; ra mắt 65 tổ truyền thông tại cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGÐ, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau tham gia cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống BLGÐ và pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường.

Ngoài ra, với mục tiêu chuyển tải đến người dân vùng đồng bào “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo”, bằng nhiều hình thức khác nhau, Ban Ðiều hành vì sự tiến bộ phụ nữ triển khai thực hiện 13 video clip, 14 chuyên đề, xây dựng 18 bài báo; biên tập, biên soạn 4.500 tài liệu tuyên truyền và các câu chuyện truyền thông về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại, một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Mặt khác, phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau và Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau tổ chức 2 cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống BLGÐ và pháp luật về về phòng, chống bạo lực học đường” với sự tham gia của 100 thí sinh và trên 700 cổ động viên là học sinh, sinh viên.

Ông Bào Thanh Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, cho biết: “Hội thi là cuộc sinh hoạt chính trị ngoại khóa nằm trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhận thức tư tưởng, ý thức pháp luật trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên và Nhân dân. Với mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho sinh viên các kiến thức về chính sách, pháp luật, các quy định về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, từ đó góp phần thực hiện tốt bình đẳng giới, giảm tình trạng bạo lực".

Thầy Bào Thanh Hoàng trao thưởng cho các tiết mục đoạt giải.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức 35 lớp tập huấn tuyên truyền về Luật Phòng chống BLGÐ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, vận động và duy trì hơn 390 CLB phụ nữ, CLB ông bố bà mẹ nuôi dạy con tốt, CLB đơn thân độc thân; xây dựng Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Cung cấp tài liệu, tờ rơi, hướng dẫn, tài liệu sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, bị bạo hành... góp phần giảm tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thành phố, hệ thống loa truyền thanh cấp xã... đã phát trên 800 lượt tin, bài, phóng sự hưởng ứng Tháng hành động; treo 145 tấm băng rôn với các khẩu hiệu về phòng, chống BLGÐ; phát hành gần 3.700 tờ rơi truyên truyền, bộ nhận diện truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới...

Tuy nhiên, một số nơi, công tác chỉ đạo và đôn đốc chưa thường xuyên, chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác triển khai Tháng hành động, từ đó chưa thu hút được sự tham gia đông đảo cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và người dân tham dự.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới còn mang tính hình thức, dẫn đến một số nơi người lao động chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin, thông điệp Tháng hành động cần hướng đến.

“Trong thời gian tới, Bộ LÐ-TB&XH cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương thực hiện tốt hơn công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, đặc biệt là người dân về công tác bình đẳng giới và phòng, chống BLGÐ. Ðồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vì sự chuyển biến tích cực trong nhận thức mới có thể có những hành động đúng đắn, không chỉ bảo vệ được bản thân người phụ nữ mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tất cả phụ nữ và con em chúng ta”, bà Nguyễn Thu Tư kiến nghị./.

Quách Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-ay-manh-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-a31109.html