'Anti vaccine' - hậu quả khôn lường

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Sở Y tế các địa phương rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn và tiếp tục khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt những đối tượng có nguy cơ cao.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: Phạm Hùng

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: Phạm Hùng

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm hơn 266,5 triệu liều tiêm vaccine Covid-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Nhờ triển trai chiến dịch tiêm vaccine mà Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Dịch bệnh nguy hiểm này đã được điều chỉnh phân loại từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B nhưng vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận.

Đầu tháng 5 vừa qua, biến thể mới có tên KP.2 lan nhanh ở Mỹ, Anh và Canada, được cho là có khả năng "né" miễn dịch tốt hơn tất cả các biến thể trước đây. Tại Việt Nam, biến thể gần đây nhất được ghi nhận và được ngành y tế khuyến cáo theo dõi là JN.1. Đây là biến thể thuộc nhóm cần quan tâm theo phân loại của WHO.

Biến thể JN.1 được đánh giá có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như né tránh miễn dịch. WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung ở các đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người trên 18 tuổi chưa tiêm mũi nào và phụ nữ có thai.

Bộ Y tế cũng lo ngại, trong thời gian qua, những thông tin sai lệch và chưa đầy đủ về tác dụng phụ của vaccine đã gây ra những hệ lụy khôn lường, dẫn đến việc nhiều người dân “anti vaccine”. Thậm chí, nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebook đã chống lại việc tiêm vaccine và đưa những thông tin sai sự thật.

Ngay cả thông tin vaccine AstraZeneca có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp cũng gây hoang mang dư luận. Đáng nói, cách đưa tin của các trang mạng xã hội đã cắt xén thông tin khiến dư luận hiểu nhầm tạo những hệ lụy rất lớn. Rất nhiều người tiêm vaccine AstraZeneca cảm thấy lo lắng, sợ hãi dù các chuyên gia y tế khẳng định, những tác dụng phụ của vaccine thể hiện nhiều nhất trong 48 giờ đầu sau khi tiêm, xa nhất là 48 ngày sau tiêm. Còn lại, khi chúng ta đã được tiêm cả năm, những sự cố này gần như không hề liên quan và đáng quan ngại.

Hiện nay, đứng trước nguy cơ khó lường về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế kêu gọi người dân tiếp tục tiêm phòng. Không chỉ riêng dịch Covid-19 mà nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Liên tiếp thời gian qua, nhiều trẻ nhỏ mắc ho gà, sởi, viêm màng não, thủy đậu… diễn biến nặng do chưa được tiêm phòng, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Trẻ không được tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Bộ Y tế đề nghị các địa phương dự trù số lượng vaccine để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc, đáp ứng tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là trong năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Các chuyên gia y tế khẳng định, tất cả vaccine ra đời đều có hệ thống báo cáo đầy đủ, được WHO kiểm duyệt, đảm bảo chất lượng. Vaccine bảo vệ cho cả cộng đồng, khi ai cũng có miễn dịch thì dịch bệnh sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất. Nếu bài trừ vaccine, dịch bệnh sẽ bùng phát, hậu quả là khôn lường.

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/anti-vaccine-hau-qua-khon-luong.html