Anh nông dân kiếm trăm triệu đồng nhờ nuôi con 'hiền như cục bột'

Nhờ nuôi loài đặc sản này trong bể xi măng, anh nông dân ở miền Tây có thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.

Anh Trần Thanh Long (ngụ xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một trong những người thành công với mô hình nuôi rắn ri voi trong bể xi măng.

Anh Long kể với báo Cần Thơ, trước kia vợ chồng anh sống bằng nghề nuôi heo và bán tạp hóa. Tuy nhiên, nuôi heo vất vả, giá cả bấp bênh, nhiều lúc thua lỗ làm thâm hụt vốn.

Năm 2019, trong lần đặt dớn dính 3 con rắn ri voi con. Thấy rắn lành tính nên anh Long để nuôi trong lu. Sau thời gian nuôi, tuy ít chăm sóc nhưng rắn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, thậm chí tự sinh sản nhung nhúc con, dù nuôi trong lu nhỏ xíu.

Anh Trần Thanh Long (xã Mỹ Thạnh Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) nuôi rắn ri voi sinh sản trong chuồng heo cũ.

“Từ đó tôi ham và đam mê với con rắn ri voi. Sau khi tìm hiểu, thấy con rắn ri voi là đặc sản, giá trị thị trường luôn cao, trong khi loài rắn này trong môi trường tự nhiên không còn nhiều nên tôi quyết định xây bể xi măng bên hông nhà rồi mua thêm rắn ri voi giống về nuôi”, anh Long nói.

Tuy nhiên, sau thời gian nuôi nhân đàn thành công lên đến 300 con rắn bố mẹ, anh lại “nếm trái đắng” khi trong một lần thay nước, do không biết nước dưới kênh bị nhiễm mặn nên bơm vào bể làm rắn chết hàng loạt. Sau đó, những con rắn bố mẹ còn sống, anh gầy dựng lại đàn cho đến nay.

“Trước tôi gây dựng được khoảng 300 con rắn bố mẹ. Trong một lần thay nước, do không biết nước dưới kênh bị nhiễm mặn nên tôi bơm vào bể làm rắn chết hàng loạt. Vì vậy, mọi người nuôi rắn ri voi trước khi thay nước phải kiểm tra thật kỹ xem có bị nhiễm mặn, bị ô nhiễm không”, anh Long lưu ý.

Thịt rắn ri voi thơm, có thể chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng. Ảnh: VietNamNet.

Từ kinh nghiệm đúc rút được, anh Long cho biết, điều quan trọng là bể nuôi rắn ri voi phải thoáng, sạch, thay nước thường xuyên. Có như thế rắn mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. Một bí quyết quan trọng nữa là trong mỗi bể xi măng nuôi rắn cần để bó dây ni lông giúp cho rắn có nơi ẩn trú.

Anh Long tiết lộ, món khoái khẩu của rắn là cá trê. Tùy theo rắn lớn, nhỏ sẽ thả cá kích thước phù hợp. “Rắn lớn mình cho ăn cá trê lớn; rắn con cho ăn cá nhỏ. Cá trê trước khi thả vào bể rắn thì nên cho ăn thức ăn công nghiệp. Làm như vậy, khi con rắn ăn cá cũng hấp thụ được lượng thức ăn công nghiệp”, anh Long nói với VietNamNet.

Mỗi bể nuôi rắn ri voi dài khoảng 2m và rộng 1m, thả nuôi được khoảng 300 con rắn ri voi bố mẹ. Tỷ lệ thả rắn là 10 con rắn cái, 3 con đực. “Theo kinh nghiệm của tôi, rắn nuôi trong bể hẹp chúng ít di chuyển, dễ bắt mồi. Ăn đủ mồi nên mau lớn hơn nuôi trong bể rộng”, anh Long cho hay.

Theo anh Long, rắn ri voi rất dễ nuôi, nhàn công chăm sóc, ít bệnh. Sau 2 năm sẽ bắt đầu sinh sản. Rắn ri voi sinh sản từ tháng 4-6 âm lịch hằng năm, bình quân mỗi lần từ 10-30 con. Đối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2kg có thể đẻ 40 con/lứa.

Anh Long có khoảng 100 con rắn bố mẹ, mỗi con nặng từ 2-4 kg. Hằng năm, cho sinh sản gần cả ngàn con rắn con. Nhờ đó đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng cho anh.

“Mỗi đợt bán rắn giống tôi thu về hàng chục triệu đồng tiền lãi. Nhờ nguồn lợi từ nghề nuôi rắn ri voi, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định”, ông Long tiết lộ.

Mô hình nuôi rắn ri voi trong bể xi măng của anh Long vừa đơn giản, tiết kiệm diện tích, lấy công làm lời, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được nông dân trong vùng học hỏi làm theo.

Cách chế biến món ăn "độc lạ" từ rắn ri

Rắn ri có thể chế biến được nhiều ăn ngon và hấp dẫn như nấu cháo đậu xanh, xào rau ngổ, xào lăn... nhưng món rắn ri hầm sả với nước dừa tươi mới là ngon tuyệt.

- Chọn rắn còn sống, mập ú và rắn càng lớn thì chất lượng thịt càng ngon.

- Rắn được làm sạch, để ráo nước và cho vào luộc với nước dừa tươi.

- Khi luộc để thêm một ít sả đập dập, cắt khúc để tạo mùi thơm.

-Lúc rắn sắp chín vớt ra cắt khúc cho vừa ăn.

- Sau đó, cho rắn vào nồi lẩu, bỏ thêm ít gừng, tỏi củ, tiêu hột, củ cải trắng, nấm rơm và nêm nếm cho vừa ăn.

- Khi nấu không nên để rắn quá dai hoặc quá mềm. Khi ăn có thể nhúng thêm các loại cải xanh, rau má, mồng tơi, mướp, gốc hành… và ăn kèm với gỏi bắp chuối trộn rau răm.

- Rắn ri hầm sả với nước dừa tươi chấm với nước mắm sả, ớt hoặc muối tiêu chanh.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/anh-nong-dan-kiem-tram-trieu-dong-nho-nuoi-con-hien-nhu-cuc-bot-a662903.html