Ai chịu trách nhiệm với số hàng trong vụ shipper mất 'cả chì lẫn chài' ở Thủ Đức?

Nam shipper dừng trước quán cơm để ăn trưa nhưng sơ ý không rút chìa khóa xe. Lúc này, anh còn 81 đơn hàng và chúng biến mất trong 12 giây.

Clip: Camera an ninh ghi lại vụ việc.

Ngày 23-4, Công an TP Thủ Đức (TP HCM) tiếp tục làm rõ vụ vụ nam shipper bị trộm xe máy cùng hơn 80 đơn hàng. Nạn nhân là anh Huỳnh Văn Sơn (34 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long).

Người dân cố đuổi theo hai tên trộm nhưng không kịp...

Theo anh Sơn, sáng 21-4, anh chạy xe máy đến bưu cục nhận hơn 100 đơn hàng đi giao cho khách. Giao xong 25 đơn thì đến giờ trưa nên anh dừng trước quán cơm ở đường Hàng Tre, phường Long Thạnh Mỹ để ăn, song anh sơ ý chưa rút chìa khóa. Lúc này, anh còn 81 đơn hàng, tổng trị giá hơn 11 triệu đồng.

Tiếp đó, 2 thanh niên đi cùng một xe máy chạy đến tiếp cận xe máy anh Sơn. Sau 12 giây, xe máy đã bị lấy đi cùng thùng hàng.

Sau sự việc, anh Sơn đã đến Công an phường Long Thạnh Mỹ trình báo. Công an sau đó vào cuộc, trích xuất camera an ninh để xác định thủ phạm.

Liên quan vấn đề nếu tội phạm chưa bị bắt cùng tang vật, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị mất, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, cho hay để đảm bảo kịp thời quyền lợi của khách hàng, trong trường hợp này, công ty mà nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với 80 đơn hàng bị mất.

Bởi Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra nêu rõ pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại nêu trên thì việc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào nhiều yếu tố nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời theo quy định tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.

Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Mặt khác, khi người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì dù người đó có lỗi hay không có lỗi, pháp nhân vẫn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Bởi, nếu buộc người của pháp nhân bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại sẽ không đảm bảo nguyên tắc bồi thường kịp thời ngay khi thiệt hại xảy ra.

Như vậy, để đảm bảo kịp thời quyền lợi của khách hàng, trong trường hợp này, công ty mà nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với 80 đơn hàng bị mất.

Bên cạnh đó, khi làm công việc shipper thì người này phải biết rằng trách nhiệm của mình là phải đảm bảo giữ gìn hàng hóa mà công ty đã giao và đảm bảo việc giao hàng hóa đến tay khách hàng. Việc mất hàng hóa là 1 trong những rủi ro mà nam shipper này phải nhận biết được khi để xe máy cùng hàng hóa bên ngoài nên đây sẽ không được xem là sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được để loại trừ trách nhiệm.

Do đó, theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 và khoản 2 Điều 129 Bộ luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người lao động khi làm mất tài sản do người sử dụng lao động giao, nam shipper có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động của công ty. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

Cũng theo quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động 2019 về xử lý bồi thường thiệt hại thì việc công ty xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động để đưa ra mức bồi thường hợp lý.

"Vụ việc trên đã thu hút sự chú ý của dư luận và cho biết nghề giao hàng ngoài áp lực thời gian cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để phòng ngừa rủi ro khi hành nghề, các shipper cần thường xuyên cập nhật tình hình an ninh trật tự, đọc báo để biết những thủ đoạn phạm tội nào đang xảy ra trong đời sống. Từ đó có ý thức cảnh giác, nhận thức được những rủi ro nghề nghiệp có thể sẽ đối mặt và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và nghĩ cách ứng phó nếu chẳng may sự cố xảy ra" - luật sư Trần Minh Hùng nói.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ai-chiu-trach-nhiem-voi-so-hang-trong-vu-shipper-mat-ca-chi-lan-chai-o-thu-duc-196240423144730861.htm