ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB duy trì dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2024. Ảnh: SGGP

Thực tế, nhu cầu toàn cầu giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm ngoái. Tuy nhiên, việc nhanh chóng chuyển sang chính sách tiền tệ phù hợp và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp chính đã được thực hiện để duy trì sự phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.

Theo ADB, sự phục hồi tương đối rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ hướng tới xuất khẩu, cũng như hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đà phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại bền vững, tiêu dùng trong nước hồi phục và tiếp tục kích thích tài chính - đặc trưng bởi một chương trình đầu tư công mạnh mẽ, được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024.

“Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức… Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và sự mong manh về cấu trúc trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để tăng cường nhu cầu trong nước với các biện pháp khắc phục cơ cấu dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho biết.

Nhu cầu toàn cầu suy giảm do tốc độ phục hồi kinh tế chậm và việc bình thường hóa lãi suất bị trì hoãn ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác, cùng với căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, có khả năng cản trở sự phục hồi hoàn toàn của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024.

Để thúc đẩy tăng trưởng, ADB cho rằng Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước, chẳng hạn như sự phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dựa vào FDI, mối liên kết yếu giữa các ngành sản xuất xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng và các rào cản pháp lý phức tạp đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo phân tích của ngân hàng này, đầu tư công vẫn là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vì vậy việc thực hiện hiệu quả đầu tư công là rất quan trọng. Mặc dù chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, nhưng vẫn cần có những biện pháp mang tính hệ thống hơn để cải thiện các quy trình pháp lý và quy định, từ đó giảm bớt những hạn chế trong việc thực hiện hiệu quả các khoản đầu tư công.

Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất

Cũng trong báo cáo, ADB cho rằng Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế thế giới, bất chấp tình trạng suy thoái.

“Trung Quốc rõ ràng vẫn còn vị trí quan trọng trong thời gian tới. Nền kinh tế này vẫn chiếm gần 50% GDP ở châu Á-Thái Bình Dương”, nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho hay. Theo ông Park, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chững lại và dự đoán sẽ tiếp tục chậm lại trong những năm tới… nhưng nước này có khả năng đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu cao hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trên thế giới”.

ADB dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm là 4,8% vào năm 2024, thấp hơn mục tiêu “khoảng 5%” của chính phủ. Trong năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, phù hợp với mục tiêu chính thức là khoảng 5%.

Ngay cả khi tăng trưởng chậm hơn, dữ liệu của ADB ước tính Trung Quốc sẽ chiếm 46% tăng trưởng ở châu Á đang phát triển trong giai đoạn 2024-2025. Trung Quốc hiện chiếm 18% GDP toàn cầu và 48% GDP châu Á, dựa trên tỷ giá hối đoái ngang giá sức mua, một thước đo được ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng.

"Điểm sáng" Ấn Độ

Trong khi đó, ADB kỳ vọng mức tăng trưởng của Ấn Độ sẽ cao nhất khu vực châu Á, ở mức 7% trong năm nay và 7,2% vào năm 2025. Quỹ đạo kinh tế xuất sắc của Ấn Độ đã khiến nhiều người ca ngợi vai trò của đất nước này như một cường quốc công nghệ và sản xuất. Nền kinh tế của quốc gia Nam Á đã tăng trưởng 8,4% trong quý IV/2023 - tốc độ nhanh nhất trong 6 quý gần đây, và “tầm quan trọng của Ấn Độ đối với tăng trưởng trong khu vực đang ngày càng tăng”, nhà kinh tế trưởng Albert Park cho biết.

Tuy nhiên, dù nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn là một “điểm sáng”, nhưng nó vẫn nhỏ hơn so với Trung Quốc. Xét về thước đo tỷ giá hối đoái PPP, nền kinh tế Trung Quốc vẫn gấp khoảng 2,5 lần so với Ấn Độ. “Vì vậy, theo tiêu chuẩn đó, sẽ mất nhiều thời gian để Ấn Độ thực sự thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu”, ông Park nhận định.

BẢO NGHI (Lược dịch từ ADB & CNBC)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/adb-kinh-te-viet-nam-van-tang-truong-vung-chac-giua-nhieu-bat-on-ben-ngoai-139768.html