40 năm Trường Phổ thông Lao động Đông Hà (1982-2022): Và ký ức vẫn tươi màu vĩnh cửu…

Không như cuộc trở về thăm trường xưa, lớp cũ của các thế hệ học trò trên mọi miền đất nước, những thế hệ học trò của Trường Phổ thông Lao động (PTLĐ) Đông Hà về dự kỷ niệm 40 năm thành lập trường (tháng 8/1982-2022) thì không còn chút gì vết dấu của trường xưa. Tên trường cũng đã đi vào quá vãng sau 10 năm hiện diện, từ 1982 đến 1992. Kể từ năm học 1992-1993, trên cơ sở nền tảng của Trường PTLĐ Đông Hà cũ đã hình thành nên Trường THPT Cam Lộ ngày nay và dịp này cũng kỷ niệm tròn 30 năm thành lập trường (1992-2022).

 Dấu vết trường xưa chỉ còn hàng phượng vĩ cổ thụ trên con đường xuyên qua nhiều cơ quan, trụ sở của huyện Cam Lộ bây giờ -Ảnh: L.Đ.D

Dấu vết trường xưa chỉ còn hàng phượng vĩ cổ thụ trên con đường xuyên qua nhiều cơ quan, trụ sở của huyện Cam Lộ bây giờ -Ảnh: L.Đ.D

Vẹn nguyên kỷ niệm

Không còn vết dấu lớp xưa, không còn bảng tên trường nhưng trong khuôn viên trường cũ may sao vẫn còn những gốc phượng cổ thụ trổ những chùm bông đỏ đủ thức dậy trong lòng những đứa học trò ký ức tuổi dại, dù mái đầu ai cũng đã ngậm ngùi sương điểm.

Bốn mươi năm, không phải là dài nhưng cũng đủ cho những thế hệ học trò đầu tiên ấy nhìn lại những năm tháng học hành vất vả mà hồn nhiên và điều quan trọng nhất, nhờ mái trường PTLĐ này, nhờ những thầy cô từ buổi đầu gian khó ấy, hàng trăm đứa học trò nghèo đã được trang bị thêm nguồn kiến thức để bước vào đời. Nhiều thế hệ học trò ngày ấy thực sự là niềm tự hào cho ngôi trường đã mất tên theo sự vận hành của xã hội.

Thời điểm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, học sinh vùng Cam Lộ muốn học lên cấp ba chỉ có hai cách: về Trường Cấp 3 Đông Hà hoặc lên Trường Cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm. Học ở Đông Hà thông thường gia cảnh phải khá hơn mặt bằng chung một chút, bởi thời đó, thi đậu vào cấp 3 rất khó khăn, nếu so sánh, chắc chắn đậu cấp 3 thời ấy khó hơn đậu đại học bây giờ. Và ở Cam Lộ trừ những xã gần trung tâm TP. Đông Hà như Cam Giang, Cam Thanh, Cam Hiếu…, học sinh có thể đi bộ tầm 5-7 km đến trường, còn học sinh vùng Cam Thành, Cam Tuyền muốn học ở Đông Hà thì phải ở trọ hoặc có xe đạp để đi về quãng đường 12-15 km.

Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn có thể chọn thi vào Trường Cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm, một ngôi trường theo mô hình học sinh có thể tự nuôi được mình bằng cách một buổi đi học, một buổi tham gia lao động như một công nhân của nông trường Tân Lâm. Giá trị lao động ấy được biến thành lương thực thực phẩm nuôi học sinh trong ba năm cấp 3.

Những học sinh không thể vào được hai ngôi trường đó của vùng Cam Lộ chỉ có thể ở nhà tham gia lao động cùng HTX hoặc đi học nghề. Và Trường PTLĐ Đông Hà ra đời như một vị cứu tinh cho những đứa học sinh con nhà nghèo trong vùng.

Chắc có người sẽ hỏi, nếu nhà nghèo sao không thi vào Trường Cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm? Thật ra khá nhiều học sinh của Trường PTLĐ Đông Hà sau này vốn là học sinh Trường Cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm. Vì không phải ai cũng đủ sức khỏe để theo được cường độ lao động của các “học sinhcông nhân”, nhất là với những cô cậu học trò mới xong lớp 9 đang tuổi 15-16. Vậy là những học sinh đầu tiên của năm học 1982-1983 ấy không chỉ là những học sinh vừa tốt nghiệp cấp 2 (nay gọi là Trung học cơ sở), rất nhiều học sinh học xong lớp 9, nghỉ ở nhà 2-3 năm, nay trở lại với đèn sách.

Cho dù ngày ấy, học sinh của những khóa đầu tiên chỉ học các môn cơ bản của hệ bổ túc văn hóa cấp 3 - chương trình học tương đối dễ so với chương trình phổ thông, nhưng với những đứa học trò mà bàn tay chai sần sau nhiều năm nghỉ học, để theo được chương trình quả là đánh vật với từng con chữ.

May mắn thay, những học trò nghèo khó ấy được bù đắp bởi môi trường học tập như một gia đình. Học sinh ít, thầy cô ít, bài vở vừa phải… thành ra ngày ấy mỗi ngày đến trường với chúng tôi thật sự là những ngày vui. Và nhớ về những năm tháng ấy, chúng tôi luôn nhớ về lòng tận tụy vô bờ của thầy cô.

Yêu thương là mãi mãi

Thầy Lâm Quang Lạn bấy giờ là hiệu trưởng nhưng cũng là giáo viên dạy Văn. Những giờ văn của thầy cực kỳ sinh động và giàu suy tưởng. Thầy Bảng dạy Toán mà tiết hình học đầu tiên thầy đã làm cho cả bọn học trò há hốc mồm khi cầm viên phấn vẽ hình tròn không khác gì cầm compa để quay. Cách trình bày tiết toán của thầy trên bảng cũng thế, gần bốn mươi năm qua nhưng sự khúc chiết, gãy gọn và khoa học trong những giờ toán của thầy vẫn lung linh trong ký ức của học trò.

Thầy Định dạy Vật lý là một ông thầy không thể hiền hơn. Sau này thầy Trần Công Sơn về trường dạy Vật lý, thầy học ở Trường ĐHSP Vinh, tốt nghiệp đại học là về dạy ngay ở Trường PTLĐ Đông Hà.

Thầy học hệ 10 năm, thêm 4 năm đại học, ra trường chỉ 21 tuổi, chúng tôi học cấp 3 nhưng cũng có vài năm thất học nên tuổi thầy trò không chênh nhau là mấy. Thầy trò mà như anh em. Giờ đây thầy Sơn là Hiệu trưởng Trường THPT Cam Lộ, ngôi trường hậu thân của Trường PTLĐ Đông Hà ngày xưa. Và cũng nhờ thầy mà chúng tôi, những đứa học trò của ngôi trường mất dấu, bảng trường mất tên sau 40 năm có cơ hội tìm về cùng nhau để nhớ đến thời thanh xuân rực rỡ.

Rồi thầy Dụng dạy Sinh vật, thầy Sơn dạy Hóa, thầy Kiểu dạy Văn, thầy Hùng dạy Lý kiêm kế toán. Sau này chúng tôi được học thêm môn Địa do cô Yến, học Trường ĐHSP Huế vừa ra trường dạy và môn Sử do thầy Nam học Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế dạy. Sau vài thế hệ đầu tiên, việc học hành được quy củ hơn, chất lượng hơn, tiếp cận và dạy theo giáo trình THPT chứ không như những học sinh của các khóa đầu.

Nhưng như tên của trường: Phổ thông Lao động, những học sinh thế hệ đầu tiên cũng lao động ra trò, cho dù không lao động nuôi mình như học sinh Trường Cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm nhưng chúng tôi cũng có đất để trồng lạc, đi lao động làm cỏ lạc thu hoạch nông sản cho các hợp tác xã quanh vùng.

Đổi lại, các HTX quy ra gạch, ngói trả công để thầy trò xây trường, lợp mái…Để có nguồn quỹ cho nhà trường hoạt động, học sinh hồi đó còn đi kiếm củi.

Những ngày chúng tôi kết hợp với một đơn vị bộ đội đang huấn luyện lái xe trên địa bàn, các chú chở chúng tôi lên Km 27 Quốc lộ 9. Chúng tôi có những ngày hạ trại ở đó, vào rừng kiếm củi, nấu cơm ăn cùng nhau, sinh hoạt cùng nhau. Buổi chiều sau khi đi củi về rủ nhau leo lên đỉnh những lèn đá.

Thật buồn cười là sau gần 40 năm, những gì vui tươi nhất của tuổi học trò trong tôi lại là những ngày đi củi chứ không phải là những giờ học nghiêm túc. Mỗi chúng tôi đều có 3 năm thanh xuân trôi qua trong ngôi Trường PTLĐ này. Rồi ra trường mỗi đứa mỗi phương, thầy cô dạy chúng tôi ngày ấy hầu hết đã về hưu, có thầy về quê cũ, thảng hoặc trên đường đời tấp nập lại vội chào nhau.

May mắn thay những thế hệ học trò đầu tiên ấy giờ đây đang thực sự đóng góp trở lại cho quê hương ở nhiều cương vị, nhiều góc độ và nghĩ về bạn bè một lứa bên trời, nghĩ về ngôi trường chỉ 10 năm tồn tại, nghĩ về cuộc đoàn viên sau 40 năm hôm nay, tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Evtushenko: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”.

Trong tâm thế đó, cho dù ngôi trường PTLĐ Đông Hà đã mất tên đi nữa thì nó đã cùng bao thế hệ thầy trò chúng tôi đều chứa một phần lịch sử, là khoảnh khắc nhưng cũng là vĩnh cửu.

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=169625&title=40-nam-truong-pho-thong-lao-dong-dong-ha-19822022-va-ky-uc-van-tuoi-mau-vinh-cuu%E2%80%A6