4 nhóm giải pháp trọng tâm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa

Trong phát biểu về 'Một số vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển thiết chế văn hóa', Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đưa ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thời gian tới.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhất là qua gần 40 năm chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã không ngừng kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn đối với lĩnh vực văn hóa. Qua nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn nghệ, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII (năm 1998) và Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI (năm 2014), có thể khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng và mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa luôn nhất quán, từng bước bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn.

Trong những năm qua, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến cơ sở, các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hóa chủ trương của Đảng thông qua nhiều văn bản, quy định khác nhau trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng hiện đại, từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Các cấp, các ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng những thiết chế sẵn có, đóng góp xây dựng những thiết chế văn hóa mới, phù hợp với địa bàn cư trú, phong tục tập quán vùng miền.

Việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã được quy hoạch tổng thể phương án đầu tư xây dựng, từ cấp tỉnh đến cấp xã phường, làng thôn, ấp bản. Cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực cho các thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm. Công tác quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được nâng cao, cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động, góp phần triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa ở nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế: Còn thiếu các thiết chế văn hóa đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa; nhiều nơi đang trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.

Nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nhưng tần suất sử dụng rất ít hoặc sử dụng sai mục đích. Một số địa phương chưa có đủ quỹ đất theo quy định; thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ cán bộ để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Tại nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số,… hệ thống thiết chế văn hóa còn nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất cũng như trong việc tổ chức các hoạt động, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Cơ chế, chính sách, quy định đối với việc quản lý các thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư còn nhiều bất cập.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn 2 năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, chúng ta ghi nhận những chuyển biến tích cực đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ việc nhận thức đúng và đồng bộ đến tháo gỡ những nút thắt trong chính sách đầu tư, tránh dàn trải thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở, để có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, chúng tôi xin trao đổi về một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa để có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo mọi điều kiện bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân tại các thiết chế văn hóa cơ sở.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; tạo sự đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch các thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa công cộng. Việc xây dựng thiết chế văn hóa phải phù hợp với địa bàn, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tộc người, bảo đảm giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích.

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ… Trong đó, cần tập trung xây dựng các chính sách đào tạo đội ngũ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ trong các thiết chế văn hóa; chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học trong các cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật; cán bộ văn hóa có trình độ, chuyên môn phù hợp đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách khuyến khích các thành thần kinh tế, tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tham gia hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả công năng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân; phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Để triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy vai trò, chức năng của hệ thống thiết chế văn hóa trong đời sống văn hóa xã hội của nhân dân theo hướng hiệu quả và thiết thực hơn nữa, bên cạnh các nhóm giải pháp đã nêu, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, huy động hiệu quả các nguồn lực với hành lang pháp lý rộng mở, hoàn thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh, văn minh.

Ng. Phương lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/4-nhom-giai-phap-trong-tam-phat-trien-he-thong-thiet-che-van-hoa-i371469/