30/4 trên quê hương đất thép Củ Chi

Những ngày Tháng Tư lịch sử, dưới sắc cờ rực đỏ, trong niềm vui lớn lao mừng Ngày đất nước thống nhất, phóng viên Báo Lao động Thủ đô về lại 'Đất thép thành đồng' Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), chứng kiến biết bao sự đổi thay, phát triển nơi đây.

Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ

Từ ngã tư An Sương, theo dọc Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), qua cầu An Hạ, trải tầm mắt là cánh đồng xanh mát; phương tiện nhộn nhịp ra vào khu công nghiệp Tân Phú Trung; đường nội đồng, hệ thống tưới tiêu được đầu tư bài bản.

Đổi thay trên quê hương “đất thép thành đồng” Củ Chi.

Sau 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kinh tế xã hội huyện Củ Chi phát triển từng ngày, từ một vùng thuần nông nghiệp đã hình thành nhiều khu công nghiệp như Tân Phú Trung, Đông Nam, Tây Bắc Củ Chi, khu công nghiệp cơ khí ô tô. Đặc biệt khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đã tạo động lực phát triển và thay đổi diện mạo đô thị cho huyện, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi vinh dự được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết: Tốc độ tăng trưởng hàng năm của huyện Củ Chi đạt trên 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Vào năm 2015, Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của TP.HCM được công nhận huyện nông thôn mới và hiện là nơi sở hữu đàn bò sữa nhiều nhất so với các nơi khác trên cả nước.

Giai đoạn 2020 - 2021, Củ Chi nhanh chóng vượt qua đại địch Covid-19, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, giữ vững vùng xanh, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện Củ Chi là 63,6 triệu đồng. Hiện nay huyện có gần 36.000 hộ gia đình chính sách có công, 29 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống (cả huyện Củ Chi có 2.135 Mẹ Việt Nam anh hùng) và gần 4.500 nhà tình nghĩa.

Trên địa bàn huyện Củ Chi có 224 hợp tác xã, tổ hợp tác xã đang hoạt động với gần 5.800 thành viên; hơn 7.400 doanh nghiệp và hơn 34.300 hộ kinh doanh đang hoạt động. Huyện Củ Chi cũng là địa phương có tốc độ giải ngân đầu tư công cao nhất TP.HCM khi năm 2023 huyện Củ Chi đã giải ngân được 2.108 tỷ đồng (đạt 100%) vốn Thành phố giao và đạt 1.047 tỷ đồng vốn ngân sách của huyện (đạt 96,9% kế hoạch vốn, vượt 1,9% kế hoạch). Đáng chú ý, thu ngân sách của huyện Củ Chi trong năm 2023 đạt hơn 1.646 tỷ đồng, đạt 115,8% so với chỉ tiêu đề ra. Phong trào nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, trong năm 2023 các xã trên địa bàn huyện đã vận động sửa chữa, nâng cấp 36 tuyến hẻm, nạo vét 20 tuyến kênh, lắp đặt 135 camera an ninh, trao 59 suất học bổng, tặng vở cho học sinh nghèo.

Ông Nguyễn Văn Khanh, ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện củ Chi vui vẻ cho biết: Trước đây gia đình làm lúa, thu nhập thấp. Nhưng nay có thêm công việc chăn nuôi bò sữa đã giúp gia đình ông thoát nghèo, có tích lũy để đầu tư nhà cửa khang trang, đồng thời lo cho 2 con đang học đại học trên trung tâm TP.HCM. Tương tự, anh Nguyễn Văn Dương, giáo viên trường THPT huyện Củ Chi chia sẻ, bản thân anh từ Nghệ An vào Củ Chi lập nghiệp, may mắn tìm được công việc ổn định. Nơi đây người dân sống chân chất, tình nghĩa, bao bọc, đoàn kết, yêu thương nhau. Kinh tế huyện Củ Chi ngày càng phát triển. Đối với anh Dương, Củ Chi là quê hương thứ 2, cảm mến và gắn bó máu thịt nơi đây nên anh đã đưa mẹ từ Nghệ An vào Củ Chi sinh sống.

Tự hào Địa đạo Củ Chi

Nhắc đến Củ Chi là nhắc đến tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất. Trong kháng chiến chống Mỹ, Củ Chi là vành đai ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, giữ vị thế chiến lược quan trọng, nằm trong vùng oanh kích tự do Tam giác sắt; chốt chặn các cuộc càn quét mang tính hủy diệt của kẻ thù vào căn cứ, chiến khu cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nhắc đến Củ Chi còn là nhắc đến “vành đai đỏ”, “vùng đất lửa”, “vùng đất trắng” hay “vùng đất thép”. Củ Chi - nơi chạm khắc vào lịch sử với vị trí là một địa bàn chiến lược, là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Mô hình thu nhỏ Địa đạo Củ Chi.

Từ trong lòng đất, quân và dân Củ Chi có những sáng tạo về cách đánh, về tổ chức trận địa, tạo thế bám trụ, lấy phương thức chiến tranh nhân dân đánh bại phương thức chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Và cũng từ lòng đất, du kích Củ Chi thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh tan hàng trăm trận càn của địch với đầy đủ các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Cuộc chiến trong lòng đất của quân và dân Củ Chi đã ghi vào lịch sử dân tộc và nhân loại với một kỳ tích có một không hai, đó chính là Địa đạo Củ Chi.

Hiện nay TP.HCM đang hoàn hiện hồ sơ trước khi trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới. Theo dự thảo báo cáo tóm tắt, Địa đạo Củ Chi là một hệ thống địa đạo liên hoàn, được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương (Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1945 - 1954 và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai - Chiến tranh Việt Nam 1954 - 1975). Đây là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, một công trình kiến trúc độc đáo của nhân dân Việt Nam; là bằng chứng sinh động, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của người dân vùng đất Củ Chỉ, với sức sống bền bỉ, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí đấu tranh kiên cường để duy tồn và bảo vệ quê hương với khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

Địa đạo Củ Chỉ cách trung tâm TP.HCM hiện nay khoảng 70 km về hướng Tây Bắc. Địa hình huyện Củ Chỉ là một vùng đất cao, chuyển tiếp từ miền Đông Nam Bộ xuống đồng bằng Tây Nam Bộ, có nhiều đồi gò, rừng rậm, hệ thống kênh rạch chằng chịt. Khởi nguồn, địa đạo Củ Chỉ được người dân ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh Ninh (nay là Phước Vĩnh An) đào từ năm 1946. Ban đầu là hầm ếch, khoét thẳng đứng xuống lòng đất, miệng nhỏ, độ sâu vừa đủ chỗ thân người ngồi, sau đó phát triển thành hầm bí mật rộng 2 - 3m, sâu khoảng 2m, dùng tre gác bên trên, phủ đất làm thành trần. Sau đó, hầm bí mật được cải tiến, đào khoét ngang sâu, tạo thành đường hầm dài 4 - 5m, gọi là hầm địa đạo (bao gồm có miệng hầm, nắp hầm, đường hầm). Đường hầm phát triển thành hầm liên gia (cứ 3 - 5 gia đình đào hầm thông nhau). Đến năm 1947, hai đường hầm ở ấp Cây Da (xã Tân Phú Trung) và ấp Bà Giã (xã Phước Vĩnh An) được nối thông nhau, tạo thành Địa đạo liên xã, với chiều dài khoảng 17km.

Địa đạo Củ Chỉ là một hệ thống các công trình nhân tạo, có giá trị nổi bật về kiến trúc, lịch sử, quân sự.... Là ví dụ sinh động về sự sáng tạo, khả năng thích ứng, ứng phó, sức mạnh cộng đồng, ý chí, nghị lực phi thường của con người để sinh tồn; là một trong những hình thức cư trú, sinh sống độc đáo, đặc trưng của người dân Việt Nam trong hoàn cảnh, điều kiện đất nước có chiến tranh ở thế kỷ XX.

Dự kiến diện tích khu vực đề cử di sản thế giới rộng khoảng 17,7ha, có chiều dài khoảng 200km, bao gồm Địa đạo Cây Da (xã Tân Phú Trung), Địa đạo Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng), Địa đạo Bến Đình (xã Nhuận Đức và Phạm Văn Cội), Địa đạo Xóm Bưng (xã Nhuận Đức), Địa đạo An Bình (xã Trung An). Website The World Geography đã bình chọn Địa đạo Củ Chi là 1 trong 10 công trình ngầm ngoạn mục nhất thế giới. Địa đạo Củ Chi cũng lọt vào tốp 7 điểm du lịch kỳ lạ nhất ở Đông Nam Á.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/304-tren-que-huong-dat-thep-cu-chi-169599.html