3 'nút thắt' Việt Nam cần cải thiện để thu hút vốn FDI

Năng suất lao động, chỉ số hiệu quả logistics, khả năng thích ứng với môi trường pháp lý là 3 vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC, ASEAN đang thu hút đầu tư FDI ngày càng nhiều hơn và đáng chú ý là FDI vào lĩnh vực sản xuất. Trung Quốc cũng đang xây dựng các chuỗi cung ứng tại những quốc gia láng giềng như Việt Nam.

Tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn)

Việt Nam cũng đang dần phát triển cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn khi gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao trong khi vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của Chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và thái độ làm việc của người dân Việt Nam.

Do đó, việc xác định "nút thắt" gây vướng mắc nhiều nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhất. Một trong số những “nút thắt” đó chính là năng suất lao động.

Chuyên gia của HSBC cho rằng, có 3 vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thu hút FDI.

Thứ nhất, chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động cũng như nhu cầu liên tục cải thiện năng suất trong quá trình Việt Nam vươn lên trên nấc thang chất lượng. Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 so với mức 10-26 của các nước ASEAN khác.

Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất…

Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển vốn đã hỗ trợ cho xuất khẩu từ Việt Nam.

Cuối cùng là khả năng thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.

Theo khảo sát của HSBC, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.

Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường.

Mới đây, trong báo cáo về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam 30 năm qua của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo, từ năm 1990 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hàng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Thành tích vượt trội này được thúc đẩy bởi 3 động cơ: Tích lũy vốn nhanh; nguồn cung lao động dồi dào; tăng trưởng năng suất cao.

Tuy nhiên, World Bank cũng lưu ý, để duy trì kỳ tích kinh tế này, chiếc chìa khóa Việt Nam cần nắm chắc là tăng trưởng năng suất.

Năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 64% trong giai đoạn 2010-2020, nhanh hơn tất cả quốc gia cùng khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn. Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng này, mức năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều các nước đồng cấp.

Theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.

Thêm vào đó, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trung bình ở cấp doanh nghiệp chỉ tăng dưới 2% trong giai đoạn 2014-2018, thấp hơn mức của nhiều nền kinh tế Đông Á (dữ liệu của IMF năm 2022). Bên cạnh đó, theo World Bank, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng, nhưng chủ yếu nhờ FDI, ít tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp nội địa.

Để cải thiện, World Bank cho biết, có thể tăng năng suất lao động qua 3 kênh, trong đó, đặc biệt tập trung vào sự tham gia của các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ở kênh đầu tiên, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả của các doanh nghiệp hiện có, bao gồm cải thiện các hoạt động quản lý, áp dụng công nghệ mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và tài chính.

Tiếp theo, Việt Nam cần tái phân bổ nguồn lực giữa các doanh nghiệp và ngành từ nhóm kém hiệu quả sang hiệu quả hơn và cho phép các doanh nghiệp có năng suất cao hơn, chủ yếu là các công ty khởi nghiệp đổi mới, tham gia và các doanh nghiệp năng suất thấp thoát khỏi thị trường.

Theo World Bank, trọng tâm là phải tập trung vào sự tham gia của các công ty khởi nghiệp đổi mới. Các công ty này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm chất lượng cao, tạo ra thị trường mới và phá vỡ thị trường hiện có, từ đó thúc đẩy năng suất của khu vực tư nhân.

Thái An

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/3-nut-that-viet-nam-can-cai-thien-de-thu-hut-von-fdi-20240312113301165.htm