103 bài báo cáo được trình bày tại hội nghị khoa học tim mạch Cố đô mở rộng lần thứ 3

Ngày 27/4, Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị khoa học tim mạch Cố đô mở rộng lần thứ 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương (thứ 5, bên trái sang) cùng thành viên Ban tổ chức trao chứng nhận tham gia cho các chuyên gia quốc tế

TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương tham dự, phát biểu chào mừng và tặng hoa chúc mừng hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của 75 chủ tịch đoàn và báo cáo viên là các chuyên gia hàng đầu về tim mạch trong nước và nước ngoài, đến từ Hội Tim mạch Đức - Việt; các nước Pháp, Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia và Cuba. Đặc biệt, hội nghị lần đầu đón tiếp các đại biểu đến từ Tổ chức Phát triển tim mạch châu Á Thái Bình Dương (APAC).

Tại hội nghị, các chuyên gia phân tích, bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%; trong đó, bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và bệnh tim mạch khác (5,7%).

Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng; trong đó, tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay. Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là gánh nặng về bệnh lý tim mạch và xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động.

Chuyên gia chia sẻ nghiên cứu tại hội nghị

Với chủ đề “Tiếp cận toàn diện bệnh lý tim mạch và đồng mắc”, hội nghị đã nghe các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tổng cộng 103 bài báo cáo, gồm 6 phiên tổng quan, 1 phiên nghiên cứu khoa học, 1 phiên báo cáo khoa học trẻ tim mạch và 2 phiên đào tạo y khoa liên tục.

Những bài báo cáo là những kết quả nghiên cứu mới, có tính thực tiễn cao trong áp dụng vào khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch; qua đó, góp phần tăng tính hiệu quả điều trị, giảm kinh phí, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh...

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ và phát huy thế mạnh ba trụ cột chính là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế và hệ thống y tế địa phương; trong đó, tập trung xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế xứng tầm là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế; xây dựng Trường đại học Y - Dược theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng đến đạt chuẩn quốc tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

“Những hoạt động như hội nghị tim mạch Cố đô mở rộng lần thứ ba 2024 là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực điều trị, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển y tế với phát triển kinh tế du lịch, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nói.

Hội nghị tim mạch Cố đô nằm trong chuỗi hội nghị Cố đô được tiến hành từ 3 năm qua, là sáng kiến của Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật và UBND tỉnh khởi xướng và được các Hội Y dược trong tỉnh hưởng ứng. Mục tiêu của hội nghị tim mạch Cố đô là phát huy nội lực, chung sức phòng chống bệnh lý tim mạch và các bệnh đồng mắc.

Tin, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tin-tuc-y-te/103-bai-bao-cao-duoc-trinh-bay-tai-hoi-nghi-khoa-hoc-tim-mach-co-do-mo-rong-lan-thu-3-140344.html